Sau hơn hai năm thực hiện Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo bước đầu đạt những kết quả tốt và đang đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc công khai, minh bạch quá trình ban hành và công bố văn bản pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế một số cơ quan ban hành văn bản chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đăng Công báo như: còn tình trạng văn bản công bố chậm hoặc không được công bố; nhiều văn bản sai về thẩm quyền, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành. Sở dĩ có tình hình trên là do cơ quan ban hành văn bản chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phải gửi văn bản quy phạm pháp luật để công bố trên Công báo; chưa tuân thủ quy trình xây dựng, ban hành và công bố văn bản pháp luật; trình độ, kỹ năng soạn thảo văn bản còn yếu; cơ chế phối hợp và cơ chế chịu trách nhiệm giữa cơ quan Công báo các cấp với các cơ quan ban hành văn bản còn chưa chặt chẽ.
Để thực hiện nghiêm túc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 104/2004/NĐ-CP về hoạt động xuất bản, phát hành Công báo, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ: Tiếp tục quán triệt cán bộ, công chức của Bộ, ngành mình thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, hình thức, thể thức của văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành mình ban hành; Quy định cụ thể danh mục các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại "nơi nhận" của từng loại văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Khoản 5 Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày 23/3/2006 về việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm: Báo cáo về tình hình công bố văn bản pháp luật của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại phiên hợp Chính phủ 6 tháng cuối năm; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật về hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo để hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động Công báo; Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định chuyển đổi tổ chức Phòng Công báo, Văn phòng Chính phủ sang loại hình đơn vị sự nghiệp nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật và góp phần nâng cao năng lực hoạt động cho Cơ quan Công báo Trung ương; Xây dựng Đề án tổ chức Công báo điện tử nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất xuất bản Mục lục và Tổng tập Công báo theo ngành, lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; Có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ Công báo theo định kỳ hoặc theo yêu cầu cho cơ quan Công báo cấp tỉnh trong phạm vi toàn quốc.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khẩn trương kiện toàn tổ chức và đảm bảo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật để đưa hoạt động của cơ quan Công báo cấp tỉnh đi dần vào nền nếp và hiệu quả; Chỉ đạo, quán triệt các cơ quan chuyên môn và cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công bố văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo; tổ chức tốt việc niêm yết các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; Liên hệ chặt chẽ và phán ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất bản, phát hành Công báo cấp tỉnh với Văn phòng Chính phủ (thông qua cơ quan Công báo Trung ương); đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan Công báo cấp tỉnh.
(Theo website Chính phủ)