Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan và địa phương

09/12/2024
​Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 542/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp Tổ công tác số 5 về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan và địa phương.

Theo Thông báo, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2021 – 2025, trong đó đầu tư công luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, có nhiều văn bản chỉ đạo thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan và địa phương giải ngân còn thấp so với mức trung bình cả nước. Các nguyên nhân chủ yếu là: Việc nghiên cứu, vận dụng các chính sách, quy định của pháp luật có nơi làm chưa tốt; công tác quản lý dự án và năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất.
Phấn đấu giải ngân năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, quyết liệt, chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo; kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn ở cấp thẩm quyền của mình, tích cực nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật mới để triển khai, đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Các bộ, ngành, địa phương phân công lãnh đạo theo dõi tiến độ thực hiện dự án theo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn; thành lập tổ công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp phụ trách để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định.
Xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để tham mưu các cấp thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận, đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vốn vay ODA; quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp các kiến nghị về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật về đầu tư công. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nội dung liên quan trong dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 8.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan, xem xét hướng dẫn theo thẩm quyền để Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ được triển khai thuận lợi, đúng quy định.
Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Ngoại giao và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo lãnh đạo Chính phủ để xử lý ngay, không để chậm trễ kéo dài, bảo đảm yêu cầu, mục tiêu đặt ra.
Tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia.
Tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Huy động các lực lượng chính trị xã hội và các cấp chính quyền địa phương cùng tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công năm 2024.