Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài có phát sinh yêu cầu uỷ thác tư pháp ra nước ngoài thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân (TAND) cấp tỉnh. Mặc dù vậy, Toà án cấp huyện vẫn tiếp tục được giải quyết các loại vụ việc nêu trên nếu sau khi thụ lý mà có phát sinh yêu cầu uỷ thác tư pháp cho nước ngoài theo quy định tại Điều 471 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Đây là các trường hợp sau khi toà án cấp huyện thụ lý vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì một trong các đương sự đã xuất cảnh và ở lại nước ngoài. Từ đó, đã phát sinh yêu cầu uỷ thác cho nước ngoài để giải quyết vụ việc dân sự.
Tuy nhiên, theo quy định tại Luật TTTP hiện hành thì chỉ có Toà án cấp tỉnh mới có thẩm quyền yêu cầu TTTP trong nước và thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài. Với quy định đó, Luật TTTP đã cản trở việc giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của toà án Việt Nam. Theo đó, trường hợp toà án cấp huyện giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà vẫn giữ nguyên thẩm quyền giải quyết cho dù có đương sự thay đổi địa điểm cư trú (ví dụ ra nước ngoài sinh sống), thì toà án này vẫn phải lập hồ sơ nhưng phải chuyển hồ sơ đó lên Toà án cấp tỉnh để thực hiện thủ tục hành chính là để hồ sơ đó được gửi đến Bộ Tư pháp với danh nghĩa hồ sơ của toà án cấp tỉnh.
Thực tế cho thấy việc uỷ thác cho nước ngoài như trên vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, vừa tạo thêm thủ tục hành chính, cơ quan trung gian trong quá trình yêu cầu nước ngoài thực hiện một số hoạt động tố tụng.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, cũng như để phù hợp với quy định của Luật tổ chức TAND 2024, dự thảo Luật TTTP về dân sự đã không kế thừa quy định hiện hành về việc chỉ quy định TAND cấp tỉnh mới có quyền yêu cầu TTTP. Thay vào đó, dự án Luật TTTP quy định TAND là một trong các cơ quan có thẩm quyền thực hiện TTTP. Như vậy, việc mở rộng thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự cho TAND các cấp là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và các quy định pháp luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có quy định mới về trình tự, thủ tục thực hiện một yêu cầu thuộc phạm vi yêu cầu TTTP về dân sự khác cụ thể là các yêu cầu về cung cấp giấy tờ, bản án, quyết định về hộ tịch, thông tin pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự tại Điều 18. Quy định mới này là cần thiết bởi nó xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Thực tiễn giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài gần đây tại Toà án cho thấy những yêu cầu liên quan đến việc cung cấp cấp giấy tờ, bản án, quyết định về hộ tịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Dự thảo Luật cũng ghi nhận giá trị pháp lý của kết quả thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam, theo đó kết quả TTTP do Bộ Tư pháp thông báo được sử dụng trong giải quyết các vụ việc dân sự. Quy định này góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các thẩm phán sử dụng kết quả TTTP do Bộ Tư pháp thông báo trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Toà án.
Bên cạnh việc kế thừa các quy định của Luật TTTP đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, dự thảo Luật TTTP về dân sự đã nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực TTTP dân sự; luật hoá một số quy định của văn bản dưới luật phù hợp với phạm vi, nội dung của Luật TTTP về dân sự. Cụ thể, dự thảo Luật đã luật hoá một số quy định của Thông tư liên tịch 12/2016/TTLT-BTPBNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục TTTP trong lĩnh vực dân dự. |
Thiên Hy