Ðại diện các cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình bày về sự cần thiết ban hành, các quan điểm chỉ đạo xây dựng, kết cấu và những nội dung chủ yếu của bốn đạo luật nói trên.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 8 chương, 80 điều, quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương XIV Bộ luật này, dựa trên cơ sở hai mục với 23 điều của Chương XIV Bộ luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung và kết cấu thành bốn mục với 44 điều, trong đó mục I - Quy định chung; mục II - Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân; mục III - Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể; mục IV - Ðình công và giải quyết đình công. Luật này có hiệu lực thi hành từ 1-7-2007.
Luật Dạy nghề có 11 chương, 92 điều, quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở dạy nghề; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2007. Luật Cư trú có sáu chương, 42 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ Việt Nam; trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ 1-7-2007.
(Theo Nhân dân)