Tại phiên họp thứ 45, ngày 14-12, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận và thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung pháp lệnh này tập trung vào mục A, mục B Chương II (Tổ chức và thẩm quyền điều tra), Chương III (Quyền hạn điều tra của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra). Theo đó, ở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thành lập thêm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện (theo hướng: Tổ chức cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện có bốn đầu mối là tối đa); sửa đổi, bổ sung thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra trong Công an Nhân dân; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền điều tra của cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội Nhân dân; sửa đổi, bổ sung quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng (theo hướng: Người đứng đầu của Cục Phòng, chống tội phạm về ma túy và người đứng đầu của Ban Chỉ huy Biên phòng cũng là chủ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; đồng thời giao thêm cho Bộ đội biên phòng được quyền điều tra tội phạm về ma túy, khi các tội phạm này xảy ra trong địa bàn quản lý của mình). Tờ trình cũng nêu rõ các ý kiến còn khác nhau về quyền hạn điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng; về quyền của Bộ trưởng Công an trong việc tổ chức cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện và phân công trách nhiệm điều tra đối với Cơ quan An ninh điều tra trong Công an Nhân dân; việc phân công trách nhiệm điều tra đối với Cơ quan An ninh điều tra trong Quân đội Nhân dân của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Báo cáo thẩm tra dự án pháp lệnh nói trên, Ủy ban pháp luật của QH tán thành việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng vì phù hợp với quy định tại Ðiều 75 của Luật Phòng, chống tham nhũng; phúc đáp yêu cầu tập trung lực lượng để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các tội phạm về tham nhũng. Còn các vấn đề khác sẽ sửa trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự hiện hành.
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã sôi nổi thảo luận và biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung Ðiều 9 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, cho phép thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng.
Cũng trong ngày làm việc này, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về việc bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính. Biện pháp này được quy định tại Ðiều 25 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1995. Theo đó, "đối tượng bị quản chế hành chính là người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến lợi ích quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Những người này phải cư trú, làm ăn, sinh sống ở một địa phương nhất định và chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương trong thời hạn từ sáu tháng đến hai năm. Tại Ðiều 27 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 cũng quy định: "Quản chế hành chính do chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với người có hành vi vi phạm pháp luật phương hại đến an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người bị quản chế hành chính phải cư trú, làm ăn, sinh sống tại một địa phương nhất định và chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương. Thời hạn quản chế hành chính là từ sáu tháng đến hai năm.
Lý do mà Chính phủ đề nghị bãi bỏ biện pháp này là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, thực hiện cải cách tư pháp, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân và trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc áp dụng biện pháp quản chế mà thực chất là biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại, cấm đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan, tổ chức và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định bằng một quyết định hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia đã và đang đặt ra một vấn đề có tính pháp lý cần được xem xét. Theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước, việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân được thực hiện bằng một quyết định tư pháp theo một trình tự, thủ tục tư pháp để cho công dân có điều kiện bảo vệ quyền lợi của mình thông qua thủ tục tranh tụng trước toà.
Mặt khác, trong điều kiện mở rộng và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế hiện nay, việc hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân vi phạm pháp luật bằng một quyết định hành chính theo trình tự, thủ tục hành chính đã và đang gây những phản ứng không thuận từ nhiều phía. Thêm vào đó, trong thực tiễn áp dụng biện pháp quản chế hành chính thời gian qua cũng đã bộc lộ những điểm bất cập.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của QH tán thành với căn cứ mà Chính phủ đề nghị bãi bỏ biện pháp quản chế hành chính quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận và cho nhiều ý kiến về vấn đề nói trên.
(Theo Nhân dân)