​Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL

09/07/2024
Cũng theo Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng hiện có của bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; phối hợp, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ và đột xuất.
Cũng theo Quyết định, Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có).
Chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, các Luật thuế, Luật Dược.., và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.
Đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.
Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ và con dấu của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình công tác.     
Cũng trong ngày 08/7/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo (ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-BCĐRSXLVBQPPL).
Về nguyên tắc làm việc, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; tập thể thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Thành viên Ban Chỉ đạo tham gia, thực hiện đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và kịp thời báo cáo, chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về các nhiệm vụ được phân công theo quy định tại Quy chế này.
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tuân thủ sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Tư pháp. Giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quyết định thành lập Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo, bảo đảm nguyên tắc gọn nhẹ, hiệu quả, không phát sinh biên chế.
Các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm cử thành viên tham gia Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo theo đề nghị của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.