Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Vấn đề được nhiều người quan tâm là nguồn lực cho việc thực hiện thí điểm tại các địa phương nói trên.
Gần 98% phiếu LLTP được cấp đúng hạn
Bộ Tư pháp cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, Sở Tư pháp trên toàn quốc đã cấp hơn 2,6 triệu Phiếu LLTP, một số địa phương tiếp nhận và giải quyết số lượng lớn yêu cầu cấp Phiếu LLTP như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An…Việc tiếp nhận và trả kết quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP được thực hiện qua các phương thức: Trực tiếp, qua bưu chính và trực tuyến. Trong đó, số lượng người dân nộp hồ sơ trực tiếp và nhận kết quả Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính chiếm số lượng lớn.
Qua đánh giá thống kê hằng năm, trung bình tỷ lệ đúng hạn cấp Phiếu LLTP tại các Sở Tư pháp trên toàn quốc chiếm khoảng 97,9%. Còn khoảng 2,1% trường hợp cấp Phiếu LLTP trễ hạn (khoảng 54.000 trường hợp), tập trung chủ yếu là các trường hợp có thông tin về án tích trước ngày 01/7/2010 (VD: đã bị bắt, lập danh chỉ bản nhưng không rõ kết quả xử lý cuối cùng, không có thông tin về việc xét xử của Toà án...). Với 3 địa phương đề xuất thí điểm, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay tại Hà Nội, hàng năm, tỷ lệ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP của công dân được giải quyết đúng và trước thời hạn đạt 97%. Số hồ sơ giải quyết trễ hạn chiếm tỷ lệ 3 %. Con số này của TP.Hồ Chí Minh là 4,2 % và tại Nghệ An riêng năm 2023 chiếm tỷ lệ 7.88 %.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hiện nay theo quy định, Sở Tư pháp là cơ quan duy nhất tại địa phương có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác LLTP. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên tại Sở Tư pháp đã xảy ra tình trạng quá tải. Đặc biệt, tại một số địa phương có thời điểm người yêu cầu cấp Phiếu tăng đột biến, Sở Tư pháp không bố trí đủ nhân lực phục vụ tiếp công dân, tra cứu, xác minh thông tin nên xảy ra tình trạng ùn ứ tại khâu tiếp nhận hồ sơ và chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP .
Bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, kinh phí
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu LLTP thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số,... trong đó việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện cấp Phiếu LLTP là một giải pháp cần thiết; nhằm giảm tối đa tình trạng trễ hạn cấp Phiếu LLTP.
Báo cáo đánh giá thực trạng Bộ Tư pháp cho biết, Thành phố Hà Nội hiện có 30 Phòng tư pháp trực thuộc 30 đơn vị cấp huyện; tổng số công chức là 160 người. Số lượng biên chế làm việc tại các Phòng Tư pháp trên địa bàn Thành phố dao động từ 04 đến 06 công chức tùy thuộc vào địa bàn quận, huyện và tình hình đặc thù của địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản được bố trí đầy đủ: máy tính, máy in, máy scan, … kết nối internet để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Về cơ bản các Phòng Tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội có cơ sở trang thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh có 22 Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (gồm 01 thành phố, 16 quận và 05 huyện). Tổng biên chế được giao cho Phòng Tư pháp từ 07 - 12 biên chế; riêng thành phố Thủ Đức có 20 biên chế (trong đó có 06 lãnh đạo phòng và các chuyên viên). Công chức các Phòng Tư pháp đáp ứng trình độ tin học ứng dụng cơ bản, xử lý công việc trên môi trường điện tử tương đối thành thạo. Các phần mềm sử dụng tại các Phòng Tư pháp tốc độ đường truyền chậm nên việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ khó đảm bảo tiến độ.
Tại tỉnh Nghệ An có 21 Phòng tư pháp trực thuộc 21 đơn vị cấp huyện; tổng số công chức là 71 công chức. Hầu hết các cán bộ và công chức Phòng Tư pháp đều có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc. Sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành như: phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm thống kê…Tất cả các thủ tục hành chính đều được giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trên các hệ thống, phần mềm chuyên môn của ngành.
Với thực trạng nêu trên, dự thảo phân định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan trọng việc nâng cấp, chỉnh sửa Phần mềm Quản lý LLTP để bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu, trao đổi, cung cấp thông tin và cấp Phiếu LLTP tại Phòng Tư pháp;Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về LLTP, sử dụng Phần mềm cho cán bộ tư pháp tại Phòng Tư pháp áp dụng thí điểm. Đặc biệt là bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, kinh phí, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác này.