Cần “chiếc áo” cơ chế đủ rộng để Thủ đô phát triển

08/11/2023
Cần “chiếc áo” cơ chế đủ rộng để Thủ đô phát triển
Sau 10 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bước đầu giúp Hà Nội thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý quan trọng để bứt phá. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, đòi hỏi sớm được sửa đổi để Hà Nội phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng, cả nước nói chung.
Thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể
Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, Luật Thủ đô (Luật) được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) đã mang lại những hiệu quả và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, công trình kiến trúc cổ và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị chưa theo kịp sự phát triển của Thủ đô. Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách thu hút nguồn lực, trọng dụng nhân tài, thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển chưa đủ mạnh, thực hiện chưa đồng bộ...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Việc này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành...
Trước thực trạng trên, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết, một mặt nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị, như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mặt khác tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Khi đã có “chiếc áo cơ chế” đủ rộng, Hà Nội sẽ có điều kiện thuận lợi để phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Chính sách phải rõ ràng, bảo đảm tính khả thi
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18, thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức vào tháng 10/2023, các đại biểu đã thống nhất cao với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi Luật; đồng thời nhấn mạnh dự thảo Luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ. Các cơ chế, chính sách phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi.
Trong rất nhiều nội dung được dự thảo Luật đề cập, vấn đề về quy hoạch, phát triển nhà ở luôn nhận được sự quan tâm của người dân và các chuyên gia. Bên cạnh đó, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài trong dự thảo Luật cũng được nhiều ý kiến đánh giá là “đòn bẩy”, nhằm tạo “cú hích” trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Đó là các chính sách hỗ trợ từ ngân sách TP để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Cùng với đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng, để thu hút và giữ chân được người tài, cần lưu ý đến một số điều kiện bảo đảm khác như xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó họ được bộc lộ năng lực sở trường, được trọng dụng là điều quan trọng hơn cả; thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ, lương bổng.
Trao đổi với chúng tôi, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, mà Thủ đô phải là hình ảnh đại diện, là hình mẫu quốc gia. Thủ đô không thể như một địa phương, một tỉnh hay một TP. Vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác.
Đại biểu Cường cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, không giống với các cơ chế, đặc thù tại các nghị quyết trước đây mà phải tạo ra được khuôn khổ pháp lý mang tính bao trùm so với các luật hiện hành khi áp dụng riêng cho Thủ đô. Tinh thần bao trùm đòi hỏi tiêu chuẩn phát triển Thủ đô ở mức cao so với các TP khác; đồng thời cũng phải có cơ chế để đầu tư, ưu đãi được nhiều hơn.
Đặc biệt, phải có một cơ chế nhằm khai thác những tiềm năng vốn có của Thủ đô để vừa tạo ra nguồn lực phát triển, vừa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. Nếu đạt được các yêu cầu như vậy, chắc chắn Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là một công cụ pháp lý để tạo hành lang phát triển, đồng thời cũng tạo ra một công cụ để thu hút các nguồn lực kinh tế...
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ: Cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô
Tôi cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô vì một số lý do. Thứ nhất, Luật Thủ đô ban hành năm 2012, trong khi đó, năm 2013, chúng ta thông qua Hiến pháp. Do vậy, rất cần sửa đổi Luật Thủ đô để phù hợp và cập nhật những điểm mới của Hiến pháp 2013.
Thứ hai, thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội đã có một số nghị quyết ban hành cơ chế đặc biệt, đặc thù đối với TP Hà Nội. Vì vậy, cần thể chế hóa, luật hóa các nội dung này. Thứ ba, với vị thế, tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là sau khi TP mở rộng địa giới hành chính, diện mạo, quy mô, đặc thù của Thủ đô đã khác với hiện nay nên cần có các quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay. Cần tạo cho TP Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; để Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế là trái tim của cả nước, đúng với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh: Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách để áp dụng được ngay
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, tôi cho rằng, một trong những nội dung rất quan trọng tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là vấn đề phân cấp, phân quyền.
Theo đó, dự thảo Luật cần cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền TP.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật NH Quang và Cộng sự: Phải có quy định đặc thù về công tác quy hoạch
Theo tôi, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung giải quyết khá nhiều vấn đề bất cập. Để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, dự thảo Luật sửa đổi đã thể chế hóa các quy định trên nguyên tắc bám sát 9 chính sách. 9 nhóm chính sách của dự thảo Luật không chỉ giải quyết những vấn đề bất cập mà còn đưa ra các giải pháp pháp lý để tạo điều kiện đặc thù, vượt trội về cơ chế cho Thủ đô phát triển.
Ví dụ như muốn đạt được mục tiêu “xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả...” thì cần thiết phải có quy định đặc thù về công tác quy hoạch; đồng thời bảo đảm hiệu quả trong khai thác và quản lý đất đai, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng (đường sắt đô thị nên là vấn đề trọng tâm) để có thể giải quyết được các vấn đề phát triển đô thị, tắc đường, ô nhiễm không khí, chính sách về nhà ở, đô thị văn minh hiện đại…
Nếu dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, tôi hy vọng giải pháp pháp lý này cùng với các giải pháp khác về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội sẽ giúp cho Hà Nội có thể đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội.

 
Khánh Chi