Mức khởi điểm chịu thuế là bao nhiêu?
Tại Hội trường Ba Ðình, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, các đại biểu QH thảo luận dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật này nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Ðảng và Nhà nước về lĩnh vực tài chính; tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế - xã hội; hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm ổn định nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Về tên gọi của luật, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành như dự thảo là Luật Thuế thu nhập cá nhân (Nguyễn Văn Tuyết - Yên Bái, Nguyễn Văn Trì - Vĩnh Phúc, Tào Hữu Phùng - Hà Tây...). Loại ý kiến thứ hai đề nghị tên gọi là: Luật Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, vì chọn ngưỡng thu nhập để tính thuế thu nhập là bốn triệu đồng/tháng thực chất là quy định đối với người có thu nhập cao, không phải là cứ có thu nhập (dù nhiều hay ít) thì phải chịu thuế (Trần Hồng Việt - Hậu Giang, Lê Văn Cuông - Thanh Hóa, Vũ Ngọc Cừ - Lào Cai). Một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của luật, vì cho rằng hiện nay Nhà nước chưa kiểm soát được các nguồn thu nhập của cá nhân (Nguyễn Thị Mai Hoa - Nghệ An, Trần Hồng Việt - Hậu Giang). Vấn đề thu hút nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là: Ngưỡng chịu thuế. Tờ trình của Chính phủ đưa ra hai phương án về ngưỡng chịu thuế là bốn triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm) và năm triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm), nhưng dự thảo Luật thể hiện theo phương án bốn triệu đồng/tháng.
Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cũng hình thành theo hai phương án nói trên: Một số ý kiến tán thành phương án bốn triệu đồng/tháng, một số ý kiến tán thành phương án năm triệu đồng/tháng.
Thu nhập chịu thuế cũng là vấn đề thu hút nhiều đại biểu thảo luận. Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu tập trung chủ yếu vào thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm. Một số ý kiến cho rằng, không nên quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, bởi vì, nếu quy định sẽ ảnh hưởng đến việc huy động tiền tạm thời nhàn rỗi của nhân dân cho đầu tư phát triển, trong khi đất nước đang cần huy động tối đa các nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển kinh tế và kiểm soát lạm phát. Quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm phải chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng người có tiền không gửi tiết kiệm hoặc gửi ít, sẽ đẩy mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng lên cao. Mặt khác, với trình độ và cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý theo hướng hiện đại còn nhiều hạn chế như hiện nay, dễ xuất hiện tình trạng người có tiền gửi tiết kiệm chia nhỏ số tiền, gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau để tránh phải nộp khoản thuế này, hoặc nhiều người có tiền, nhưng không gửi tiết kiệm, mà cất trữ vàng và các loại tài sản khác.
Một số ý kiến khác cho rằng, nếu không đưa thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân thì không công bằng, vì tiền gửi tiết kiệm cũng là một khoản đầu tư, số người có thu nhập cao từ gửi tiết kiệm không phải là ít, trong khi những người làm công ăn lương có phần thu nhập vượt ngưỡng quy định thì phải nộp thuế sau khi đã giảm trừ gia cảnh. Trường hợp có khó khăn trong việc kiểm soát và tổ chức thu, thì áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp vẫn có thể quản lý được nguồn thu nhập này.
Một số ý kiến phát biểu còn đề cập về thu nhập không chịu thuế và đề nghị không đưa khoản phụ cấp khu vực, trợ cấp thu hút cán bộ về vùng khó khăn công tác vào đối tượng chịu thuế.
Hành vi nào bị coi là bạo lực gia đình?
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại Hội trường D1 (37 Hùng Vương), với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, nhìn chung ý kiến các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải có luật để điều chỉnh các hành vi bạo lực trong gia đình. Ðại biểu Neáng Kim Cheng (An Giang) thẳng thắn: Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ, nên không thể chấp nhận các hành vi bạo lực trong gia đình, nhất là những hành vi bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Phòng, chống bạo lực trong gia đình, đa số ý kiến đại biểu QH đều nhất trí với phương án được nêu ra trong dự thảo luật, hành vi bị coi là bạo lực trong gia đình bao gồm: bạo lực về tinh thần, bạo lực về thể chất, bạo lực về kinh tế và bạo lực về tình dục. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Loan (Vĩnh Phúc), Ban soạn thảo nên cân nhắc tới tính khả thi của quy định về hành vi bạo lực tình dục, bởi trong điều kiện hoàn cảnh xã hội nước ta hiện nay, quy định này là chưa phù hợp.
Các hành vi bạo lực trong gia đình mà người thực hiện là cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài việc bị xử lý hành chính theo quy định, còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục. Nhất trí cao với cách xử lý này song các đại biểu Nguyễn Kim Cúc (Long An), Nguyễn Thanh Bình (Bắc Ninh), vẫn tỏ ra băn khoăn: - Không biết ai là người có trách nhiệm thông báo? Khi nhận được thông báo thì cơ quan quản lý người vi phạm phải áp dụng biện pháp gì để quản lý, giáo dục?
Thảo luận chủ đề này, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về quy định được nêu ra trong dự thảo luật: Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là người có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc.
Ðại biểu Nguyễn Ðình Lộc (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Như thế nào thì bị cấm tiếp xúc. Và ai, cơ quan nào là người chịu trách nhiệm trong việc ngăn cản người vi phạm tiếp xúc với nạn nhân?
Nhiều đại biểu cũng nhất trí với dự thảo luật khi quy định người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trường hợp đối với người dưới 18 tuổi thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(Theo Nhân dân)