Những dấu mốc tự hào trong ngành Tư pháp

28/08/2023
Những dấu mốc tự hào trong ngành Tư pháp
Nhìn lại chặng đường 78 năm xây dựng và phát triển, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ, ngành Tư pháp đều cảm thấy tự hào về những gì mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ, ngành Tư pháp đã làm được. Chúng ta tin chắc rằng, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục có bước phát triển mới, gặt hái thêm nhiều thành công.
1. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
2. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có nhiệm vụ xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ. Trên cơ sở đó, ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 34 lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp với 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh là thành viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao chấp bút Bản Dự thảo Hiến pháp. Bản Dự thảo sau đó được công bố để Nhân dân tham gia ý kiến và là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam vào ngày 9/11/1946.


Quốc hội họp về nội dung biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật tháng 1/2022.
Ảnh Quochoi.vn
 
3. Trong những ngày đầu thành lập, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 37-TP ngày 30/11/1945. Theo đó, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng các văn bản pháp luật về dân sự, thương sự và tố tụng, tổ chức và quản trị tòa án, truy tố tội phạm, cảnh sát tư pháp, thi hành án, quản lý luật sư, thừa phát lại, và phụ trách công việc quốc tịch, tương trợ tư pháp. Trên cơ sở này, trong những ngày đầu thành lập, Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực tham gia xây dựng và củng cố nền tảng pháp lý cho hệ thống tư pháp, pháp luật của chế độ mới. Ngày 22/5/1950, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 85/SL về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng, làm sâu sắc hơn bản chất nhân dân của hệ thống tòa án và nền tư pháp trong chế độ mới. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và vì các nguyên nhân khác nhau, từ năm 1960 cho đến khi Bộ Tư pháp được tái lập vào năm 1981, trong thành phần của Chính phủ, không còn cơ quan nào giúp Chính phủ quản lý thống nhất và toàn diện các công việc về tư pháp trên phạm vi cả nước.
4. Ngày 22/11/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định số 143-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp, tạo tiền đề pháp lý để xây dựng và tổ chức lại Bộ, ngành Tư pháp trong những năm đầu được tái lập. Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất các công việc về tư pháp trong cả nước bao gồm công tác dự thảo pháp luật, quản lý về mặt tổ chức các toà án địa phương và các công tác tư pháp khác; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa trong cán bộ và nhân dân; góp phần bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân. Từ đó tới nay, nhìn chung, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp từng bước được mở rộng. Theo quy định tại Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ. Cũng theo quy định của Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đang được giao thực hiện 38 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
5. Trong khoảng 10 năm đầu được tái lập, Bộ Tư pháp đã tham mưu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, trong đó phải kể tới việc tham mưu với Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội ban hành Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988), Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Bộ Tư pháp đã tham mưu với Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng nhà nước (nay là Uỷ ban thường vụ Quốc hội) ban hành một số Pháp lệnh tạo tiền đề pháp lý vững chắc để xây dựng một số lĩnh vực pháp luật quan trọng về luật sư, thi hành án dân sự và xử lý vi phạm hành chính. Bộ Tư pháp còn trình cấp có thẩm quyền hoặc tham mưu với Hội đồng Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác như các Nghị định về tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước; về giám định tư pháp; về tổ chức và hoạt động của công chứng Nhà nước... Cũng trong khoảng 10 năm đầu sau khi được tái lập, được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp đã ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp quan trọng.
Bộ, ngành Tư pháp cũng tích cực tham gia quá trình nghiên cứu, xây dựng bản Dự thảo Hiến pháp thay thế cho Hiến pháp năm 1980, để kịp thời thể chế hóa ở tầm hiến định những chủ trương, đường lối đổi mới quan trọng của Đảng theo Nghị quyết Đại hội VI (năm 1986) và Đại hội VII (năm 1991) của Đảng. Ngày 15/4/1992, Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ Đổi mới đất nước (Hiến pháp năm 1992) đã được Quốc hội ban hành trong đó có sự đóng góp có giá trị của người đứng đầu của Bộ, ngành Tư pháp và của các cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ, ngành Tư pháp. Truyền thống ấy được kế thừa và tiếp nối trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2001 và đặc biệt là quá trình tham gia xây dựng Hiến pháp năm 2013.
6. Bộ, ngành Tư pháp cũng tích cực tham gia quá trình tham mưu với các cấp có thẩm quyền, góp phần hình thành nên chủ trương, đường lối của Đảng ta về công tác lập pháp, cải cách tư pháp ở nước ta, thể hiện rõ nét trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và gần đây là tích cực tham gia xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
7. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều Bộ luật, luật có tính chất rường cột trong hệ thống pháp luật nước nhà. Trong số đó, phải kể tới việc Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thi hành án dân sự v.v. Bộ Tư pháp cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tham mưu, xây dựng và giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều đạo luật quan trọng khác như: Luật Quốc tịch, Luật Hộ tịch, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật đấu giá tài sản, Luật Giám định tư pháp, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tương trợ tư pháp; Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung 09 Luật v.v. Bộ, ngành Tư pháp cũng làm tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Trong những năm gần đây, Bộ, ngành Tư pháp đã có nhiều đóng góp trong xây dựng các văn bản của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương về phòng, chống Covid-19, tích cực trong giải quyết, tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19. Có thể nói, Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần trực tiếp vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật “dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước…” mà Đảng ta đã đề ra.

Hệ thống thi hành án dân sự nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Cẩm Tú
 
8. Bộ, ngành Tư pháp cũng đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, công tác pháp chế được tăng cường. Công tác hộ tịch, quốc tịch, đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện hiệu quả và có nhiều đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan. Cùng với đó, Bộ, ngành Tư pháp đã tích cực xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, phòng ngừa và quản trị rủi ro pháp lý. Hệ thống thi hành án dân sự rất nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kể cả trước những tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra trong những năm gần đây, luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, hiệu quả thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, thi hành án tín dụng ngân hàng và theo dõi thi hành án hành chính có nhiều cải thiện. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật có nhiều bước phát triển. Các cơ sở đào tạo cử nhân luật và nghề luật do Bộ Tư pháp quản lý đều là các cơ sở đào tạo luật và nghề luật uy tín hàng đầu cả nước. Công tác xây dựng, quản lý ngành được coi trọng…
9. Nhìn lại chặng đường 78 năm xây dựng và phát triển, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ, ngành Tư pháp đều cảm thấy tự hào về những gì mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ, ngành Tư pháp đã làm được. Trong không khí thiêng liêng của những ngày Thu tháng Tám, kỷ niệm 78 năm ngày Truyền thống ngành Tư pháp (28/8), hướng tới kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta tin chắc rằng, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục có bước phát triển mới, gặt hái thêm nhiều thành công, góp phần xứng đáng vào tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.
 
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp