Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phạm vi và quy mô điều chỉnh quy hoạch và thời hạn quy hoạch
Về phạm vi ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận; 17 huyện; 01 thị xã). Ranh giới hành chính được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc; Phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và tỉnh Hòa Bình; Phía Đông giáp các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; Phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ.
Quy mô lập quy hoạch: Khoảng 3.359,84 km2 (số liệu diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
Thời hạn quy hoạch: Ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Về quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch:
1- Bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
2- Kế thừa các định hướng cơ bản của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2011 và thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội.
3- Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại; thích ứng biến đổi khí hậu; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá.
Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch:
1- Phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
2- Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.
3- Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
4- Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.
5- Là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung:
- Bám sát và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của trung ương, Quốc hội, Chính phủ, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đối với Thủ đô Hà Nội... phát triển liên kết vùng để xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc (vùng đồng bằng sông Hồng), trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
- Rà soát, đánh giá thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và các quy hoạch chuyên ngành đã được duyệt để xác định các nội dung còn phù hợp, kế thừa phát triển; xác định các tồn tại, vướng mắc để nghiên cứu điều chỉnh và các vấn đề còn thiếu, chưa phù hợp để nghiên cứu bổ sung. Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đến phạm vi Thủ đô.
- Dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, dự báo phát triển dân số, lao động, phát triển kinh tế - xã hội và phân bố dân cư cho các khu vực, làm cơ sở điều chỉnh các giải pháp quy hoạch về sử dụng đất, không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Kế thừa mô hình cấu trúc phát triển, các định hướng chiến lược của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, Quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, rà soát điều chỉnh các giải pháp quy hoạch cụ thể như phát triển đô thị vệ tinh, hành lang xanh, vành đai xanh, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, trường học, bệnh viện và bố trí hệ thống trung tâm chức năng... để phù hợp với điều kiện hiện trạng, bối cảnh phát triển mới và đảm bảo khả thi trong phát triển đô thị.
- Nghiên cứu các giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên đường vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, mô hình phát triển TOD tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng, phương án bố trí sân bay quốc tế thứ 2 của vùng Thủ đô tại Hà Nội.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị, công trình cao tầng, bố trí các không gian công cộng cho dân cư đô thị và khách du lịch, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội theo hướng chất lượng cao; nghiên cứu các hình thái quy hoạch - kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hà Nội. Các định hướng chung về quản lý chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực. Nghiên cứu lựa chọn các chỉ tiêu về sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển đối với các khu chức năng đặc thù.
- Điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia (đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt) gắn với lộ trình triển khai thực hiện theo từng giai đoạn. Nghiên cứu khớp nối đồng bộ các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng. Nghiên cứu rà soát điều chỉnh bổ sung các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông chính khác. Đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường; nghiên cứu phương án bố trí hệ thống bến xe đối ngoại gắn kết với đầu mối giao thông, các tổ hợp đa chức năng gắn với yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng logistic, bổ sung các biện pháp quản lý phương tiện giao thông thông minh; rà soát điều chỉnh bổ sung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung còn thiếu như: nhà máy nước, khu xử lý rác thải, nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang...
- Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian - đất đai; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên...), nhằm từng bước cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội Thủ đô. Đề xuất quy định quản lý, hướng dẫn kiểm soát phát triển, làm cơ sở xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố theo hướng linh hoạt theo từng giai đoạn, cụ thể theo các vấn đề cần quản lý, từng bước xây dựng hình ảnh đặc trưng cho quy hoạch - kiến trúc đô thị Thủ đô Hà Nội.
- Thống nhất, đồng bộ về dữ liệu dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên quan liên thông tích hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác đang được triển khai lập đồng thời.
Yêu cầu trong quá trình tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch:
Nghiên cứu lập Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 thể hiện các nội dung mang tính định hướng, đảm bảo thống nhất đồng bộ, liên thông tích hợp về các chỉ tiêu, định hướng các giai đoạn ngắn hạn, dài hạn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng.
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu và tính khả thi, ngoài các yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 và Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ, Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Bộ Xây dựng, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch cần lưu ý:
- Quy hoạch cần thống nhất, đồng bộ (về liên kết vùng, quy hoạch sử dụng đất, phương hướng phát triển các ngành - lĩnh vực trọng yếu tương thích với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội).
- Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý - GIS để phân tích, đánh giá xu hướng phát triển đô thị thời gian qua nhằm đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp với đặc điểm của Thủ đô Hà Nội. Cơ sở dữ liệu GIS được chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước phục vụ công tác dự báo phát triển, chuyển đổi số trong quản lý, quy hoạch đô thị.
- Thiết kế đô thị: Đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 và số 16/2013/TT-BXD ngày 16 tháng 10 năm 2013. Khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại để mô phỏng cấu trúc đô thị và phương hướng phát triển không gian đô thị theo các phương án đề xuất.
- Xây dựng kế hoạch, cơ chế thực hiện đồ án quy hoạch trên cơ sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị tư vấn (lập quy hoạch) khác có liên quan, nhằm bảo đảm nội dung nghiên cứu được cập nhật thông tin đa dạng và đồng bộ, đặc biệt đối với các chương trình, đề án và dự án đặc thù của Thủ đô Hà Nội.
- Xây dựng khung đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch (giai đoạn 2030, 2045) tạo cơ sở để cơ quan chuyên ngành theo dõi, điều chỉnh kịp thời (nếu có) các quy định, cơ chế - chính sách trong việc quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có hiệu quả, khoa học, đáp ứng chủ trương của Nhà nước về cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.