Củng cố, tăng cường vị thế, uy tín, danh tiếng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

19/05/2023
Củng cố, tăng cường vị thế, uy tín, danh tiếng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu kỳ vọng vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới; từ đó góp phần khôi phục và từng bước củng cố, tăng cường vị thế, uy tín, danh tiếng của Viện trong làng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của đất nước.
Ngày 18/5, thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (HLKHXHVN) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH) của Viện HLKHXHVN”.
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng công tác NCKH của Viện HLKHXHVN, từ đó đề xuất các giải pháp, nhất là các giải pháp mới, mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng NCKH của Viện trong thời gian tới. Đây cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm; đồng thời vinh danh các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài cấp bộ bảo vệ đề tài loại xuất sắc trong năm 2022.
Phân tích một số bất cập trong nghiên cứu, cung cấp, sử dụng các luận cứ khoa học, PGS.TSKH Lương Đình Hải (Viện Nghiên cứu Con người) đã kiến nghị các giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp, sử dụng các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, điều hành và quản lý ở Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, phải đẩy mạnh nghiên cứu ở cả 3 khâu gồm nghiên cứu tốt, cung cấp đúng và ứng dụng chuẩn; tăng cường năng lực nghiên cứu cho các cơ sở nghiên cứu; bổ sung, đổi mới, cải cách thể chế trong cả nghiên cứu, cung cấp và sử dụng các luận cứ khoa học; tạo cơ chế kết nối, liên thông giữa các cơ quan trong cả nghiên cứu, cung cấp và sử dụng các luận cứ khoa học.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ NCKH, PGS.TS Chu Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) đề xuất những giải pháp trước mắt nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế của đội ngũ cán bộ như củng cố, phát triển đội ngũ hiện có; tìm cách giữ chân cán bộ; tăng thu nhập; xây dựng môi trường mang tính học thuật cao, công bằng, dân chủ nhằm thu hút, tạo đam mê NCKH, nhất là với đội ngũ cán bộ trẻ… Về lâu dài, cần có quy hoạch đội ngũ cán bộ khoa học của Viện Hàn lâm; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; nghiên cứu xây dựng và sớm thực hiện cơ chế phát hiện, tuyển chọn, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng các nhân tài khoa học xã hội…
 
Lãnh đạo Viện Hàn lâm khen thưởng các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài cấp bộ bảo vệ đề tài loại xuất sắc trong năm 2022.

Trước những thay đổi của bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, PGS.TS Bùi Quang Tuấn (Viện Kinh tế Việt Nam) nêu hàng loạt giải pháp nhằm khơi thông nguồn đề tài như tăng cường khai thác nguồn kinh phí cho các đề tài khoa học thuộc các chương trình cấp Nhà nước, tăng cường khai thác nguồn kinh phí của các địa phương cho các đề án, đề tài khoa học; tăng cường khai thác nguồn kinh phí của các bộ, ngành dưới dạng các công trình nghiên cứu trọng điểm của các bộ, ngành; tăng cường khai thác nguồn lực của doanh nghiệp và đặt hàng từ thị trường đối với NCKH...
Về đẩy mạnh ứng dụng các kết quả NCKH, ông Bùi Quang Tuấn đưa ra các giải pháp là tăng cường tư vấn chính sách thông qua xây dựng các kênh tư vấn đa dạng hơn, tăng cường thông tin truyền thông để tạo diễn đàn trao đổi giúp các kết quả NCKH được khai thác tốt hơn; tăng cường kết nối kết quả NCKH với thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động trên thị trường; ứng dụng các công nghệ để kết nối các kết quả NCKH…
Phát biểu kết luận, TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện HLKHXHVN ghi nhận các đơn vị nghiên cứu đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của khoa học, công nghệ; biểu dương những thành tựu và đóng góp của Viện Hàn lâm, các đơn vị, các nhà nghiên cứu cho đất nước. Đặc biệt, Chủ tịch Viện HLKHXHVN khẳng định, trong quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành của Viện Hàn lâm, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của các thế hệ nhà khoa học đã có những đóng góp quan trọng, thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng hình ảnh, tô đẹp truyền thống vẻ vang của Viện.
Thẳng thắn nhìn nhận một số vướng mắc, bất cập, TS Phan Chí Hiếu cũng bàn về các giải pháp khắc phục nhằm tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín, danh tiếng của Viện Hàn lâm trong thời gian tới. Theo đó, cần nâng cao chất lượng NCKH, chất lượng đội ngũ cán bộ của Viện; cố gắng giữ chân người đang có, tăng cường năng lực NCKH; có cơ chế thu hút, sử dụng các nhà khoa học. Bên cạnh đó, cần kiện toàn Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đa lĩnh vực; đổi mới cơ chế quản lý khoa học, đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí; tạo môi trường, động lực NCKH…