Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển

09/05/2023
Đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển
Đây là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại phiên họp thứ tư diễn ra ngày 19/04 vừa qua. Thủ tướng đã ghi nhận những kết quả đạt được của công tác cải cách hành chính các cấp, đồng thời thẳng thắn “gọi tên” những hạn chế, tồn tại của công tác này, từ đó có những chỉ đạo cụ thể, sát sao để nâng cao chất lượng cải cách hành chính trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo các cấp luôn coi CCHC là đột phá chiến lược trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm vụ chính trị của mình hàng năm, thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá về các kết quả đạt được trong CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng.

Chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính đạt trên 80%
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo, hoạt động cải cách hành chính trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 
Tại các cấp, các ngành, các địa phương, nhận thức và hành động về CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC, chuyển đổi số đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, thực hiện tốt phương châm “cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, lấy con người là trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ và thúc đẩy”.
TTHC đã được cắt giảm, đơn giản hóa, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được chú trọng, đẩy mạnh hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, có thể nhìn thấy được thông qua các số liệu kết quả cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 Bộ, cơ quan; các Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật; các Bộ đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến đã có sự cải thiện rõ rệt với hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã có 250 TTHC của 13 Bộ, ngành kết nối với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được chỉ đạo, triển khai quyết liệt: hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được cấp, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VneID, hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 Bộ, ngành, 63 địa phương, 03 doanh nghiệp viễn thông và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo nguyên tắc, phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”; xử lý tích cực, quyết liệt tình trạng SIM rác…
TTHC nội bộ được đơn giản hóa gắn với chuyển đổi số, phân cấp trong giải quyết TTHC được quan tâm sâu sắc, chỉ đạo tích cực.
Việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa chế độ báo cáo được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy thao tác trên môi trường số.
Đặc biệt, trong năm 2022, kết quả Chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đều đạt trên 80%, cơ quan phản ánh đúng thực trạng triển khai công tác CCHC tại các Bộ, cơ quan, địa phương; trong đó kết quả đánh giá một số lĩnh vực, tiêu chí cho thấy sự cải thiện rõ nét so với năm 2021.

Thẳng thắn nhìn nhận những “điểm nghẽn”
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong CCHC được nhìn nhận thẳng thắn tại phiên họp như: tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; TTHC trên một số lĩnh vực chưa sát thực tế, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, chưa huy động được sự tham gia tích cực của những đối tượng có liên quan; còn tình trạng chậm ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC; các hệ thống công nghệ thông tin chưa được liên kết đồng bộ, hiệu quả, tổng thể, bao trùm và xuyên suốt; xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số đơn vị, địa phương còn chưa tốt; thiếu nhân lực chất lượng cao cho giải quyết TTHC; công tác thông tin, truyền thông còn hạn chế; nhiều ách tắc, “điểm nghẽn” trong Đề án 06 chưa được quan tâm tháo gỡ…
Nguyên nhân của những tồn tồn tại, hạn chế trên có thể kể tới là: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của một số lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt; việc công bố, công khai TTHC, hướng dẫn của các Bộ, ngành chưa kịp thời; tổ chức triển khai, giao chỉ tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn chưa hợp lý; các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC chưa có sự chuẩn hóa, thống nhất về dữ liệu.

Đầu tư cho CCHC, cải cách TTHC là đầu tư cho phát triển
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và CCHC là một trong ba đột phá chiến lược được đề ra từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy, cần xác định đầu tư cho CCHC, cải cách TTHC là đầu tư cho phát triển, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương.
Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan phải bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ một cách thực chất và hiệu quả hơn; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Thống nhất quan điểm gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số, cải cách TTHC đóng vai trò dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò , trách nhiệm của người đứng đầu, quyết đoán, quyết liệt ở mỗi cấp, mỗi ngành; chú trọng công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ, đảm bảo đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi dôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, khách quan kết quả, hiệu quả đạt được.
Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, không dám đề xuất ở một bộ phận cán bộ, công chức, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, các Bộ, ngành, giữa Trùng ương với địa phương; thực hiện nhiệm vụ đúng với trách nhiệm, quyền hạn.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC, cải cách TTHC về trình độ, năng lực, phẩm chất và trách nhiệm vì dân, vì nước, vì quyền, vì lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Chú trọng công tác truyền thông, đặc biệt truyền thông chính sách về những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung, vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những khó khăn, vướng mắc trong thực thi cần được chia sẻ.
 
Lê Huy