Tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến

12/04/2023
Tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Với mục tiêu cải thiện số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến, đồng thời, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết TTHC, giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính minh bạch trong giải quyết TTHC, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC bất cứ thời điểm nào trong ngày, ở địa điểm có kết nối Internet. Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn được cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết TTHC.
Để hoàn thành mục tiêu “Tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022”, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, như: thường xuyên rà soát, thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện các tính năng kỹ thuật, tổ chức nhiều cuộc làm việc để bàn giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cũng như giải pháp để kết nối các dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Kết quả, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Tư pháp đã kết nối thêm 08 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Bộ đã kết nối 58/69 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đối với 11 TTHC còn lại (thuộc lĩnh vực luật sư, thừa phát lại, công chứng) hiện nay đang trong quá trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó sẽ xác định rõ 11 TTHC này sẽ do 1 cơ quan (Bộ Tư pháp hoặc địa phương) thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả.
Với mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, ngày 25/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2097/QĐ-BTP phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp.
Theo Quyết định này, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp có nhiều đổi mới như: việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến; tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng gắn với số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp trong thời gian tới, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc trong thực hiện chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp nói riêng; phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thực hiện TTHC tại Bộ trong việc tái cấu trúc các quy trình dịch vụ, kiểm thử để kết nối các dịch vụ công trực tuyến còn lại lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nghiên cứu, đề ra mục tiêu, giải pháp để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến như: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến theo năm; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp tục quan tâm, thực hiện kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.