​Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác ngoại giao kinh tế

24/02/2023
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế để phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (Chương trình).

Nghị quyết nêu rõ, mục đích của Chương trình nhằm cụ thể hóa và triển khai các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 -2025.
Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong đó cần quán triệt ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững, đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh và năng lực thích ứng của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình là tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác song phương và đa phương.
Tận dụng, tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế phục vụ phát triển. Xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao hàng năm trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan; đưa hợp tác kinh tế trở thành một nội dung trung tâm trong các hoạt động đối ngoại, chuyến thăm, tiếp xúc, điện đàm cấp cao và các cấp; tạo chuyển biến trong việc đôn đốc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các thỏa thuận và kết quả đạt được.
Chú trọng các nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế và ngoại giao kinh tế trong xây dựng và triển khai các đề án phát triển quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, lấy chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai ngoại giao kinh tế. Tận dụng các khuôn khổ hợp tác sẵn có và kịp thời kiến nghị các chủ trương, khuôn khổ, biện pháp nhằm tiếp tục mở rộng thực chất, làm sâu sắc hơn quan hệ, tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác.
Tạo đột phá trong một số lĩnh vực hợp tác kinh tế và giải quyết vướng mắc, “điểm nghẽn” trong quan hệ kinh tế với các đối tác lớn, đối tác chủ chốt theo nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và hài hòa với lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác. Theo sát tình hình, tác động của cạnh tranh chiến lược nước lớn, các điều chỉnh chiến lược, chính sách và sáng kiến kinh tế của nước lớn đối với khu vực để có ứng xử phù hợp nhằm tranh thủ cơ hội và hạn chế các tác động bất lợi.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chương trình là nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chiến lược về hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2021 làm cơ sở kiến nghị chủ trương, chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo; chú trọng nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng.
Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các FTA “thế hệ mới”, các Hiệp định song phương và đa phương về các lĩnh vực tài chính, hải quan, bảo hiểm xã hội, lao động..., chủ động xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình thực hiện các cam kết, nhất là trong các lĩnh vực như lao động, môi trường, phát triển bền vững... Nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các cam kết FTA của doanh nghiệp. Gắn việc triển khai hiệu quả và tận dụng tốt các cơ hội trong các FTA và các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế với việc thiết lập vị trí cao hơn của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi sản xuất, giá trị toàn cầu, thiết lập mạng lưới đối tác cung ứng ổn định và đáng tin cậy cho các ngành và lĩnh vực quan trọng, phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết kinh tế quốc tế theo lộ trình và phù hợp với lợi ích đất nước. Đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Tiếp tục vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế; nghiên cứu tận dụng các công cụ thương mại và luật pháp quốc tế. Nâng cao năng lực cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại, năng lực xử lý tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, đấu tranh chống các biện pháp bảo hộ thương mại, các vụ kiện phá giá, trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta.