​Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023

17/01/2023
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định về Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023
Theo Quyết định, tính đến nay, tổng số dịch vụ công thực hiện tại Bộ Tư pháp là 70 dịch vụ công, gồm: 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Bộ Tư pháp đã kiểm thử thành công và tích hợp 57/70 dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với các mục tiêu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng: Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc trao đổi văn bản dưới dạng điện tử; đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin, dịch vụ, ứng dụng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp trên môi trường điện tử, trực tuyến (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo thống kê ngành Tư pháp; Hệ thống họp trực tuyến; Hệ thống theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao; Hệ thống thư điện tử; Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đã cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định ...).
Đối với các mục tiêu xây dựng nền tảng số: Bộ đã triển khai, vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ (LGSP) kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và các hệ thống thông tin của Bộ.
Đối với các mục tiêu bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản hoàn thành, 100% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ; hoạt động giám sát an toàn thông tin cho toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin và các Trung tâm dữ liệu của Bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục; phát hiện và xử lý kịp thời các lỗ hổng, nguy cơ mất an toàn và các cuộc tấn công mạng, không để xảy ra các sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Toàn bộ máy chủ và máy trạm của Bộ Tư pháp đã được cài đặt các phần mềm phòng chống phần mềm độc hại. Đối với các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Các thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin; đa số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin.
Cũng trong năm 2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 về Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 về Kế hoạch “Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2000/QĐ- BTP ngày 31/12/2021 về Kế hoạch Phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành Tư pháp năm 2022; Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 1793/QĐ-BTP ngày 31/8/2022 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2022- 2025; Quyết định số 149/QĐ-BTP ngày 28/01/2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Về kết quả triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg
Quyết định số 06/QĐ-TTg được ban hành và triển khai trong bối cảnh các cơ quan đang thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định pháp luật về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, dịch vụ công trực tuyến nên nhiều nhiệm vụ trong Quyết định số 06/QĐ-TTg đặt ra yêu cầu cao đối với các cơ quan trong tổ chức thực hiện bao gồm cả điều kiện về con người, cơ sở vật chất và thời hạn hoàn thành. Với sự nhận thức và quyết tâm cao, năm 2022, Bộ Tư pháp triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong triển khai các nhiệm vụ; thường xuyên rà soát, có điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tiễn; Bộ cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án.
- Về Cổng dịch vụ công:
Bộ Tư pháp đã triển khai việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử của Ngành Tư pháp: Hiện nay, 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công: Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh/thành phố kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; 63/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, trong đó có 30 địa phương đã khai thác sử dụng hiệu quả. Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành công văn số 1868/BTP-HTQTCT ngày 08/6/2022 hướng dẫn địa phương tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến.
Đối với việc hướng dẫn địa phương tái cấu trúc quy trình để cung cấp dịch vụ công Cấp phiếu lý lịch tư pháp: Ngày 30/5/2022, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1722/BTP-TTLLTPQG về việc hướng dẫn tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở nội dung tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP trực tuyến kèm theo Công văn này, xây dựng Quy trình cấp Phiếu LLTP mức độ 3 hoặc mức độ 4 phù hợp với tình hình địa phương và thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
- Về thực hiện liên thông thủ tục hành chính:
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tái cấu trúc quy trình thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp Thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên môi trường điện tử và tiến hành chạy thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam, theo đó ngày 11/11/2022, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội và Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả.
- Về nâng cấp hoàn thiện Cổng dịch vụ công của Bộ trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ:
Trên cơ sở Công văn số 761/VPCP-KSTT ngày 29/01/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn kỹ thuật các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu, yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật, yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hướng dẫn về áp dụng tiêu chuẩn, định mức triển khai Đề án 06 (phiên bản 1.0) và các văn bản hướng dẫn khác, Bộ Tư pháp đang bổ sung các chức năng trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ nhằm tích hợp với Hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi thực hiện kiểm tra an toàn an ninh thông tin Bộ đã gửi Hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị kết nối chính thức với CSDLQGDC phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, theo đó hệ thống thông tin thủ tục hành chính của Bộ có thể khai thác thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Về tiến độ đưa các dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Bộ:
Trong năm 2022, Bộ Tư pháp kết nối thêm 37 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 57/70 dịch vụ công. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang thực hiện quy trình kiểm thử đối với 02 dịch vụ công thuộc lĩnh vực Hộ tịch. Đối với 11 dịch vụ công thuộc lĩnh vực luật sư, thừa phát lại, công chứng tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư, ngày 30/11/2022, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan (Cục Kiểm soát TTHC- Văn phòng Chính phủ, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Công nghệ thông tin) họp bàn giải pháp kết nối 11 dịch vụ công này với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, Cục Kiểm soát TTHC- Văn phòng Chính phủ có ý kiến đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp báo cáo với Lãnh đạo Bộ và cơ quan có thẩm quyền do các dịch vụ có tính đặc thù, cần phải sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật (các luật liên quan quy định việc giải quyết 11 thủ tục này tại Bộ Tư pháp, nhưng tiếp nhận hồ sơ, xác minh ban đầu và trả kết quả là tại các địa phương). Do vậy, nếu không tính 11 thủ tục đặc thù này thì dự kiến trong năm 2022, Bộ Tư pháp hoàn thành 100% việc kết nối các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Từ ngày 22/9/2022, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/20222 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/9/2022, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao triển khai thí điểm thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại 5 Quận của Thành phố Hà Nội gồm: Long Biên, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. (Sau 01 tháng triển khai thí điểm dịch vụ công nêu trên, để có thể đánh giá toàn diện, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm trong đầu Quý I/2023).
Đối với TTHC “Liên thông nhóm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn” theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 Bộ Tư pháp (Cục HTQTCT) đã xây dựng dự thảo Quy trình liên thông cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân - đăng ký kết hôn trực tuyến, đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình ban hành.
Bên cạnh đó, cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành tiếp tục được vận hành, hoạt động ổn định đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ và tư pháp địa phương.
 Mục tiêu của Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023
-Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình trong phạm vi quản lý quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
- 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng.
- 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
- 85% hồ sơ công việc tại Bộ Tư pháp (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) được xử lý trên môi trường mạng.
- 80% báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Bộ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
- 60% cuộc họp trên môi trường trực tuyến, 80% cuộc họp sử dụng tài liệu điện tử thay thế cho tài liệu giấy.
- 100% công chức lãnh đạo được trang bị chữ ký số.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.
- Xây dựng, hoàn thiện các nền tảng công nghệ số phục vụ công tác quản lý nhà nước và nghiệp vụ.
- Bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp, 100% máy chủ, máy trạm của Bộ được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; 100% hệ thống thông tin bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ Tư pháp được đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ về bảo đảm an toàn thông tin.
9 nhiệm vụ của Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023
Kế hoạch đưa ra 9 nhiệm vụ gồm: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Dữ liệu số, Nền tảng số, Nhân lực số, an toàn thông tin mạng, Chính phủ số và Xã hội số. Trong đó, nhiệm vụ về Chính phủ số sẽ thực hiện các nội dung sau: 
- Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu tư pháp khác tạo nền tảng, kết nối, chia sẻ dữ liệu số Ngành Tư pháp phục vụ chuyển đổi số Ngành Tư pháp.
+ Xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch, kết nối, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
+ Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo về trợ giúp pháp lý.
+ Xây dựng Hệ thống thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật.
+ Nghiên cứu, kết nối một số Phần mềm, Cơ sở dữ liệu của Bộ Tư pháp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
-  Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tư pháp đảm bảo kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia.
- Nghiên cứu, đề xuất thuê dịch vụ vận hành, bảo trì một số phần mềm ứng dụng.
- Nâng cấp Cổng thông tin điện tử Học viện Tư pháp.
- Nâng cấp, cải tạo hệ thống camera nhận diện khuôn mặt quản lý học viên, hệ thống mạng internet nội bộ và bổ sung camera giám sát tại Học viện Tư pháp.
- Xây dựng phần mềm quản lý đào tạo tại Học viện Tư pháp.