Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên của Tổ chức Luật phát triển quốc tế năm 2022

09/12/2022
Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên của Tổ chức Luật phát triển quốc tế năm 2022
Ngày 30 tháng 11 năm 2022, Tổ chức Luật phát triển quốc tế (IDLO) đã tổ chức Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên năm 2022 tại Rome, Italy. Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp sau 3 năm bị tác động bởi đại dịch Covid 19. Hội nghị thường niên các quốc gia thành viên là cơ quan quyền lực cao nhất của IDLO, quyết định các vấn đề quan trọng của IDLO. Tại Hội nghị năm nay, các quốc gia thành viên nhóm họp, thảo luận và thông qua một số Báo cáo, bầu bổ sung nhân sự một số Ủy ban của IDLO.
Thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên cũng như thể hiện sự tích cực, chủ động tham gia vào các tổ chức quốc tế, Bộ Tư pháp - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện quyền và nghĩa vụ quốc gia thành viên của IDLO, đã cử đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế tham dự Hội nghị. 
Hội nghị năm nay có sự tham dự đầy đủ các quốc gia thành viên và đã thảo luận, đồng thuận thông qua Báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 của IDLO, Báo cáo về kế hoạch hành động năm 2023, bầu bổ sung 02 quốc gia thành viên vào Ủy ban Thường trực của IDLO và 02 cá nhân tham gia Hội đồng tư vấn của IDLO.

Trong năm 2022, mặc dù vẫn chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, nhưng IDLO đã tiếp tục các nỗ lực đóng góp cho hòa bình, phát triển bền vững, tiến trình thực hiện Nghị sự đến năm 2030 về pháp quyền, xoay quanh hai mục tiêu chiến lược của Tổ chức trong giai đoạn 2021-2024 cụ thể là: (i) Nâng cao hiệu quả hệ thống tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua việc thực hiện các chương trình hỗ trợ tiếp cận tư pháp chính thức và không chính thức, hoàn thiện pháp luật và thể chế phục vụ con người, cải cách pháp luật, cung cấp các dịch vụ pháp lý cơ bản, cải các hệ thống tư pháp hình sự, chống tham nhũng, thúc đẩy chuyển đổi số; giảm bớt khoảng cách công lý cho phụ nữ và trẻ em gái và (ii) Pháp quyền thúc đẩy hòa bình và sự phát triển bền vững bằng việc hỗ trợ một số quốc gia phát triển toàn diện, thông qua thúc đẩy các trụ cột về thể chế, tăng cường năng lực của chính phủ trong thực hiện pháp luật kinh tế, thương mại, đàm phán, đầu tư, trao quyền kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên môi trường thông qua công bố báo cáo nghiên cứu chính sách về công bằng về khí hậu và đưa ra 07 khuyến nghị để thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở quyền con người và pháp quyền; đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới; đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sức khỏe của người dân. 
 
 
Tham dự Hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp đã tham gia thảo luận, phát biểu đánh giá cao nỗ lực của IDLO trong việc triển khai các hoạt động trong năm 2022, sự chủ động của IDLO trong việc tham gia vào thảo luận, cung cấp ý kiến tham vấn về các vấn đề pháp lý toàn cầu với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và triển khai các hoạt động hỗ trợ tăng cường thực thi pháp luật tại một số quốc gia phù hợp với các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược giai đoạn 2021-2024 của IDLO. Đồng thời, đại diện Bộ Tư pháp cũng mong muốn trong thời gian tới IDLO và Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ có các hoạt động hợp tác cụ thể để hỗ trợ Bộ Tư pháp về kinh nghiệm, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật nhằm đáp ứng các nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện thể chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.