​Chính phủ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lập pháp 06 tháng đầu năm 2022

09/09/2022
Sau 06 tháng triển khai Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của Bộ Tư pháp cùng các bộ, cơ quan ngang bộ được giao trực tiếp thực hiện, Chính phủ đã hoàn thành 32/32 nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ, gồm 28 nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh hiện hành và 04 nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh mới.
1. Kết quả thực hiện 28 nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh hiện hành
- 12/28 nhiệm vụ hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu và đã hoàn thành lập đề nghị xây dựng 13 luật, nghị quyết để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 2023, gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; (2) Luật Đường bộ; (3) Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; (4) Luật Lưu trữ (sửa đổi); (5) Luật Đấu thầu (sửa đổi); (6) Luật Hợp tác xã (sửa đổi); (7) Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); (8) Luật Giá (sửa đổi); (9) Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (10) Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); (11) Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); (12) Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1222/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; (13) Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.
- 16/28 nhiệm vụ còn lại, thì có 12/16 dự án hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu và đang đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành (gồm Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Căn cước công dân; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Di sản văn hóa; Luật Việc làm; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Hóa chất) và 04/16 dự án hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu nhưng đề xuất chưa sửa đổi, bổ sung trong thời điểm hiện nay (gồm Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Giáo dục đại học; Luật Bưu chính; Luật Báo chí).
2. Kết quả thực hiện 04 nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới các luật, pháp lệnh
- Có 02 dự án luật được Chính phủ chỉ đạo các bộ hoàn thành việc nghiên cứu và lập đề nghị xây dựng (Luật Phát triển công nghiệp; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở).
- Có 02 dự án đang được các bộ nghiên cứu, sau khi hoàn thành sẽ xác định việc đề xuất xây dựng (Luật điều chỉnh về nhà giáo; Luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính).
Việc hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp đã tạo cơ sở đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong đó, có những luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý và đòi hỏi từ thực tiễn; một số dự án luật, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hoặc đang được tiếp tục đề xuất đưa vào Chương trình. Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao trong Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ cũng rất chủ động chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Chính phủ đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ thực hiện 45 nhiệm vụ lập pháp, yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/12/2022 để báo cáo Uye ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/3/2023, trong đó:
- Có 27 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành, gồm: (1) Luật Quốc tịch; (2) Luật Công chứng; (3) Luật Luật sư; (4) Luật Nhà ở; (5) Luật Kinh doanh bất động sản; (6) Luật Thương mại; (7) Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; (8) Luật Bảo hiểm tiền gửi; (9) Luật Tài nguyên nước; (10) Luật Khoáng sản; (11) Luật Ngân sách nhà nước; (12) Một số luật về thuế (Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Quản lý thuế); (13) Luật Thuế tài nguyên; (14) Luật Thuế bảo vệ môi trường; (15) Luật Nghĩa vụ quân sự; (16) Luật Quảng cáo; (17) Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (18) Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; (19) Luật An toàn thực phẩm; (20) Luật An toàn thực phẩm; (21) Luật Giao dịch điện tử hoặc xây dựng Luật điều chỉnh về Giao dịch điện tử và Kinh tế số (thay thế Luật Giao dịch điện tử); (22) Luật Công nghệ thông tin; (23) Luật Viễn thông; (24) Luật Điện lực; (24) Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; (25) Các luật cần được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu tại Chiến lược cải cách tư pháp: (26) Phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại và các quy định của pháp luật có liên quan về hòa giải, giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (27) Phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước với vai trò là thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh;
- Có 18 nhiệm vụ cần nghiên cứu, đề xuất ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết: (1) Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về bảo vệ nhân chứng; (2) Luật điều chỉnh về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm; (3) Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn; (4) Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị; (5) Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước; (6) Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm; (7) Luật điều chỉnh về phòng thủ dân sự; (8) Luật điều chỉnh về phòng không nhân dân; (9) Luật điều chỉnh nội dung về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; (10) Luật điều chỉnh về động viên công nghiệp; (11) Luật điều chỉnh về công nghiệp quốc phòng; (12) Luật Công nghiệp công nghệ số; (13) Luật điều chỉnh về Chính phủ số; (14) Luật điều chỉnh về nghệ thuật biểu diễn; (15) Luật điều chỉnh về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe; (16) Luật điều chỉnh về trang thiết bị y tế; (17) Luật điều chỉnh về dân số (thay thế Pháp lệnh Dân số); (18) Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với Văn Phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì tăng cường tập trung thực hiện, xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/9/2022, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thời hạn được giao tại Kế hoạch.