Sáng 23/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phayvy Siboualypha và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC) và Ban Nội chính Trung ương.
Tháp tùng Bộ trưởng có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào Ketsana Phommachan; Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Lào Nalonglith Norasinh cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp Lào. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp Việt Nam đi cùng đoàn.
Hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống tội phạm
Tại buổi tiếp, đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã gửi lời chào mừng đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phayvy Siboualypha và đoàn công tác của Bộ Tư pháp Lào sang thăm và làm việc với TANDTC. Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố và phát triển, đi vào chiều sâu và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những thành tựu nổi bật trong hoạt động pháp luật và tư pháp.
Khái quát về mối quan hệ hợp tác truyền thống, tốt đẹp của Tòa án hai nước Việt Nam - Lào, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, quan hệ hợp tác giữa Tòa án hai nước không ngừng phát triển trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi TANDTC hai nước ký Thỏa thuận hợp tác vào ngày 13/8/2008. Trong thời gian qua, TAND các tỉnh biên giới của hai nước đã có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên biên giới, tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, hôn nhân đa quốc tịch, ủy thác tư pháp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy việc giải quyết hiệu quả các vụ, việc.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, để nâng cao hiệu quả hợp tác pháp luật và tư pháp, hai quốc gia cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Lào - Việt Nam, Hiệp định song phương giữa hai Chính phủ Lào - Việt Nam về phòng, chống ma túy; trao đổi thông tin về tình hình tội phạm và thực tiễn xét xử các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến người Việt Nam ở Lào và người Lào ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ vui mừng và tin tưởng mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam – Lào sẽ ngày càng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Đặc biệt sau khi kết thúc Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ V, Bộ Tư pháp hai nước sẽ tiếp tục đưa ra những phương thức hợp tác hiệu quả hơn nữa trong công tác pháp luật và tư pháp.
Cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, sự hỗ trợ hiệu quả của Tòa án cũng như các cơ quan tư pháp của Việt Nam, Bộ trưởng Phayvy Siboualypha bày tỏ vui mừng trước những thành tựu hợp tác giữa Tòa án hai nước. Bộ trưởng cũng cho rằng, mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Nhân dân Việt Nam – Lào sẽ không ngừng phát triển toàn diện và sâu rộng, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp Cách mạng hai nước.
Tích cực giải quyết các vấn đề chung liên quan đến quốc tịch
Cũng trong sáng 23/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phayvy Siboualypha và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Ban Nội chính Trung ương.
Phát biểu tại buổi tiếp, đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương khẳng định mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane trực tiếp xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước cùng Nhân dân hai nước dày công vun đắp và trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Trưởng ban Nội chính Trung ương đánh giá cao kết quả hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước trong suốt 40 năm qua, đặc biệt chính hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp đã vun đắp và tăng cường hơn nữa mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào trong thời gian tới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, hai Bộ Tư pháp Việt Nam – Lào cần thúc đẩy hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về pháp luật và tư pháp. Đây là lực lượng nòng cốt để hai nước xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận và được thực hiện nghiêm minh.
Cùng với đó, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị Bộ Tư pháp hai nước phối hợp chặt chẽ, tích cực giải quyết các vấn đề chung liên quan đến tới quốc tịch của người dân sống gần biên giới chung hai nước; các vấn đề về di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa hai nước; nâng cao hiệu quả tương trợ tư pháp về dân sự giữa hai nước; tiếp tục ủng hộ nhau trên các diễn đàn pháp luật đa phương và khu vực… Qua đó, đồng chí Phan Đình Trạc tin tưởng Bộ Tư pháp Việt Nam – Lào sẽ tổ chức thành công lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật, tư pháp và Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ V.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phayvy Siboualypha thông báo nhanh những kết quả trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân mỗi nước. Bộ trưởng Siboualypha cho biết sẽ tích cực triển khai các chỉ đạo của đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương về hợp tác pháp luật và tư pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp.
Châu Dương