Xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ lịch sử, là trọng trách cao cả

11/08/2022
Xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ lịch sử, là trọng trách cao cả
Ngày 11/8, tại Trụ sở Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Hội đồng Lý luận Trung ương.
Đây là buổi làm việc cuối cùng của Thường trực Ban Chỉ đạo để tiếp thu các ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình Bộ Chính trị.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ, có nhiều đóng góp trong thời gian qua, nhất là tích cực tham gia xây dựng Đề án, hoàn thành hai chuyên đề quan trọng mà Ban Chỉ đạo phân công.
Các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương thống nhất, đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản, công phu, bài bản, khoa học, dân chủ của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; thống nhất, đồng tình với nội dung Đề án và cho rằng dự thảo Đề án là sản phẩm của trí tuệ tập thể, phản ánh khái quát, cô đọng, tương đối đầy đủ kết quả nghiên cứu của các cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và tiếp thu một cách phù hợp nhất ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trên cơ sở cân nhắc, giải quyết hài hòa các yếu tố: cải cách, đổi mới; giữ vững ổn định chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu thực tiễn đất nước.
Dù vẫn còn một số điểm cần được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh, nhưng về cơ bản, dự thảo Đề án đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao từ phía Hội đồng Lý luận Trung ương, nhất là cơ sở lý luận, thực tiễn của Đề án và những nội dung cốt lõi đưa vào Nghị quyết. Nhiều ý kiến đồng tình với những lập luận, giải trình và hướng giải quyết của Ban Chỉ đạo về những vấn đề có ý kiến khác nhau.
Các ý kiến ý kiến thống nhất cao Đề án đã được chuẩn bị bài bản, công phu, dân chủ, khoa học, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Nội dung được biên tập chặt chẽ về câu chữ, không có những sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Đề án vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; vừa kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới; vừa xác định những đột phá và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn, có đổi mới và định hướng cho thời gian dài, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Nguyên tắc xây dựng Đề án là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo đảm sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng; cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những chủ trương, nhiệm vụ, quy định về xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Cương lĩnh, Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đối với những vấn đề mới mà Cương lĩnh, Hiến pháp, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chưa đề cập, chưa quy định hoặc những vấn đề chưa chín, chưa đủ rõ thì đặt ra nhiệm vụ định hướng nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn từ sau năm 2030 đến năm 2045 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và các thành viên Ban Chỉ đạo, trong đó có nhiều ý kiến của Hội đồng Lý luận Trung ương, qua nhiều lần chỉnh sửa, đến nay, dự thảo Đề án đã có những điều chỉnh rất quan trọng theo hướng nâng tầm khái quát của Nghị quyết cao hơn, định hướng chiến lược rõ hơn. Bảo đảm những nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, không đi vào những vấn đề quá cụ thể, chi tiết mà mở ra hướng nghiên cứu, hoàn thiện cho các cơ quan khi triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là đối với những vấn đề có tính lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về mô hình các thiết chế trong bộ máy Nhà nước mà hiện nay vẫn còn các ý kiến khác nhau.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhiệm vụ lịch sử, là trọng trách cao cả nhưng cũng rất nặng nề mà toàn Đảng, toàn dân ta phải cùng nhau nỗ lực thực hiện thắng lợi trong nhiều năm tới./.
Mai Hà