Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 26/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Tạo điều kiện để cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội các cơ quan của Quốc hội và cơ quan có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an nhân dân, nên dự thảo Luật Chính phủ trình quy định cảnh sát cơ động là “lực lượng vũ trang nhân dân” là phù hợp và thống nhất với một số luật đã ban hành; là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động, tạo điều kiện để cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Liên quan đến quy định huy động người, phương tiện, thiết bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý “tên điều” và nội dung “điều luật” theo hướng chỉ huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để cảnh sát cơ động hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách, do đó dự thảo Luật chỉ quy định cảnh sát cơ động được huy động khi thực hiện các nhiệm vụ do cảnh sát cơ động chủ trì thực hiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Đối với nhiệm vụ tham gia, phối hợp phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh thì việc huy động người, phương tiện, thiết bị sẽ do lực lượng chủ trì quyết định.
Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Dự thảo Luật Chính phủ trình quy định việc điều động cảnh sát cơ động trong nhiều trường hợp khác nhau, trong đó các trường hợp đều phải theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Để bảo đảm tính cơ động, kịp thời và đúng thẩm quyền thì trong những trường hợp cấp bách, người điều động cảnh sát cơ động phải đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Công an. Ủy ban Thường vụ cho rằng, quy định này phù hợp với thẩm quyền chỉ huy trong Công an nhân dân. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định việc báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an như Điều 20 dự thảo Luật trình Quốc hội. Đồng thời đề nghị Quốc hội cho giữ thẩm quyền điều động như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
Nêu quan điểm ủng hộ nội dung liên quan đến quyền hạn của cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo Đại biểu, trong thực tế các loại phương tiện bay siêu nhẹ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa với các mục tiêu bảo vệ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) thì băn khoăn về quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16) của dự thảo Luật. Ông cho rằng, việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Nhưng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.
Để tránh việc lạm dụng quyền trên một cách rộng rãi cũng như tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có, đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ, về phạm vi, trường hợp được huy động người và thiết bị dân sự bao gồm cả trường hợp trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại điểm d, khoản 3, Điều 9 là chưa hợp lý. Đại biểu lí giải, vì hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách, nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp.
Về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, đại biểu cho rằng, quy định thẩm quyền như dự thảo Luật là quá rộng, vì có những người phục vụ lâu dài, có những người không phục vụ lâu dài trong lực lượng. Việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của nhân dân, có những tài sản giá trị lớn, rủi ro bị thiệt hại khi huy động là có. Nhấn mạnh, trường hợp lạm dụng quyền huy động vì mục đích cá nhân thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp, do đó, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị cần cân nhắc thêm nên quy định chỉ những trường hợp đặc biệt, thật sự cần thiết mới là phạm vi để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng hoặc giữ cấp bậc, chức vụ nhất định.
Đồng tình, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản. Cho nên, cần có quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này./.
Mai Hà