Từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp phiên thứ 43 tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 11 dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI. Đó là các dự án: Luật quản lý thuế; Luật đê điều; Luật thể dục, thể thao; Luật dạy nghề; Luật chuyển giao công nghệ; Luật cư trú; Luật bình đẳng giới; Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 4 dự án luật sẽ xin ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Đó là các dự án: Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình; Luật các vùng biển Việt Nam; Luật tương trợ tư pháp.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; tình hình đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Về việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung giám sát các vấn đề: chủ trương, pháp luật, cơ chế và chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kết quả thực hiện, những tồn tại và hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; những kiến nghị và giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức về chủ trương, quan điểm; chỉ đạo kiên quyết; đề cao trách nhiệm trong tiến trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sớm hoàn thiện các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách; tiếp tục đổi mới và cải tiến quy trình cổ phần hóa, gắn với quá trình cải cách hành chính; các biện pháp cụ thể; đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức bán cổ phần; ban hành mới và hoàn thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa...
Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng: Qua giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện trồng mới, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; độ che phủ của rừng và chất lượng, trữ lượng rừng; quy hoạch đất trống đồi núi trọc để trồng rừng và khả năng chuyển đổi cơ cấu 3 loại rừng; về giao đất, giao rừng và khuyến lâm. Đồng thời Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện dự án và những giải pháp khắc phục.
Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan thực hiện có hiệu quả giữa các mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2010.
Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề: Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của nước ta. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn luôn được Nhà nước và nhân dân coi trọng. Trước yêu cầu tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về đạo đức, trình độ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu là vấn đề bức xúc, đòi hỏi được quan tâm hơn nữa.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét các vấn đề về tình hình đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; những nguyên nhân yếu kém trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu của phát triển đất nước.
Về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn: Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, mang ý nghĩa chính trị và xã hội sâu sắc, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm đầu tư tập trung và trực tiếp cho các đối tượng này. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đối tượng, mục đích, nguyên tắc hỗ trợ, công tác triển khai và kết quả thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ các hộ gia đình giải quyết những yêu cầu bức xúc của cuộc sống, giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
5. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thành lập 3 đơn vị mới thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành các nội dung sau:
Cho ý kiến về kết quả giám sát chất lượng tín dụng và an toàn của hệ thống ngân hàng;
Cho ý kiến về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự;
Nghe báo cáo kết quả đàm phán đa phương, dự kiến lộ trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và kết quả Hội nghị AIPO lần thứ 27./.