Ngày 25/01/2022, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương đã ban hành Công văn số 273/HĐPH về phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, triển khai một số nhiệm vụ PBGDPL dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung 09 luật) và 04 Nghị quyết. Trên cơ sở các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cần tập trung triển khai trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật của công dân, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) trân trọng đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương thực hiện các công việc sau đây:
1. Tăng cường tổ chức phổ biến các luật, nghị quyết mới được thông qua
Đề nghị các bộ, ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực được điều chỉnh bởi Luật sửa đổi, bổ sung 09 luật mới được thông qua:
a) Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung các văn bản luật được sửa đổi, hợp nhất thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý lên Cổng/Trang Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.
b) Tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, phổ biến pháp luật; kịp thời quán triệt, tổ chức tập huấn chuyên sâu các nội dung được sửa đổi, bổ sung cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật. Chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, hình thức phổ biến văn bản luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu giới thiệu, phổ biến nội dung văn bản luật và phối hợp với Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để cập nhật, kết nối dữ liệu với Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia (http://pbgdpl.gov.vn; chuyên mục Tủ sách pháp luật); bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
2. Tập trung phổ biến một số nội dung pháp luật về gia đình, trẻ em
Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Công văn số 9617/VPCP-NC ngày 30/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em, đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương và địa phương tăng cường PBGDPL về trẻ em, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự với hình thức phù hợp, trong đó tập trung các hoạt động PBGDPL tại cơ sở, tới từng gia đình như: đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật, hoà giải ở cơ sở, hệ thống truyền thanh cơ sở và các hình thức PBGDPL trực quan; trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội… để nâng cao nhận thức, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân trong theo dõi, phát hiện các vụ việc vi phạm. Các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong việc phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở liên quan đến gia đình.
3. Đẩy mạnh PBGDPL nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022
Đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Cán bộ, công chức khi thực thi công vụ cần chú trọng phổ biến, vận động cán bộ, nhân dân tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Nội dung PBGDPL tập trung vào các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, đánh bạc…); trật tự, an toàn giao thông và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; cư trú, xuất nhập cảnh; phòng, chống và xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, quản lý vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định quản lý, sử dụng pháo; sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; an toàn, vệ sinh thực phẩm; các hoạt động lễ hội…
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới với nhiểu biến thể mới, đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, đẩy mạnh phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm thích ứng an toàn trong tình hình mới.
Hình thức PBGDPL được lựa chọn phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn bảo đảm thiết thực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng lưới loa truyền thanh cơ sở, PBGDPL trực quan trong công tác PBGDPL; lồng ghép giao lưu, sinh hoạt văn hóa, lễ hội, hòa giải ở cơ sở…, đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia phổ biến, vận động, thuyết phục người dân nghiêm túc tuân thủ, chấp hành pháp luật, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật