Chuyên gia pháp lý Nguyễn Quốc Việt: Kiến thức và tâm huyết gửi vào 3 “đời” Bộ luật Hình sự

16/09/2021
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Quốc Việt: Kiến thức và tâm huyết gửi vào 3 “đời” Bộ luật Hình sự
Gần 40 năm công tác trong ngành Tư pháp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) đã ghi dấu ấn trong nhiều Bộ luật Hình sự (BLHS), góp phần hoàn thiện BLHS 1999, đóng góp chuyên môn hoàn thiện BLHS 2015.

Biết từ động cơ máy bay đến kiến thức luật pháp

Câu chuyện đến với lĩnh vực pháp lý của ông Nguyễn Quốc Việt khá bất ngờ. Thời học sinh, ông học một trường phổ thông công nghiệp ở gần Nhà thờ Lớn (Hà Nội) để ra làm công nhân bậc 4/7. Tốt nghiệp, ông được cử sang Liên Xô (cũ) học chế tạo động cơ máy bay, rồi bất ngờ được phân công học luật.

Thời gian ban đầu chuyển sang học luật, ông gặp khá nhiều khó khăn bỡ ngỡ bởi kiến thức từng được đào tạo là khoa học tự nhiên; trong khi luật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội; từ ngữ, chuyên môn khác nhau hoàn toàn. “Song với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng suy nghĩ “Nhà nước phân công, giao việc gì thì mình phải cố gắng hoàn thành việc ấy”, tôi đã vượt qua những khó khăn ban đầu, hoàn thành tốt việc học, trở về cống hiến”, ông hồi ức.

Năm 1973, ông Việt trở về nước, được nhận vào làm tại Ủy ban Pháp chế (tiền thân của Bộ Tư pháp ngày nay). Khi Bộ Tư pháp tái thành lập với nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng pháp luật và quản lý các mảng hoạt động bổ trợ tư pháp, gồm các đơn vị chính là Vụ Pháp luật chung và Vụ Pháp luật Kinh tế, ông Việt vẫn tiếp tục công tác tại đây.

Năm 1987, ông được đề bạt làm Vụ phó Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (được tách ra từ Vụ Pháp luật chung). Ba năm sau, ông được cử đi biệt phái đến Văn phòng Chính phủ tham gia công tác chống tham nhũng. Năm 1993, ông quay lại Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, tiếp tục giữ cương vị Vụ phó. Đến năm 1999, ông chính thức được bổ nhiệm chức Vụ trưởng cho đến khi nghỉ chế độ vào 2009.

Phần lớn thời gian công tác của ông Việt gắn liền cùng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính. Trong quá trình công tác ấy, ông được đánh giá cùng tập thể luôn tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong công tác pháp luật, xây dựng nhiều BLHS.

Đầu tiên phải kể đến BLHS 1985, là BLHS đầu tiên của Việt Nam; ra đời trong bối cảnh nền kinh tế bao cấp và thực tiễn tình hình tội phạm thời kỳ đó; nhưng đã rất tiến bộ. Khi xây dựng BLHS 1985, ông Việt thuộc Ban Thư ký, cùng một thành viên khác được phân công dịch BLHS 1960 của Nga để tham khảo. Trên cơ sở BLHS của Nga, các nhà làm luật đã xây dựng BLHS năm 1985 của nước ta với hai phần: Phần chung và phần tội phạm. “Các cấu thành tội phạm khi đó rất đơn giản, ngắn gọn, căn cứ vào thực tiễn của nước ta thời đó. Dù sơ khai nhưng BLHS năm 1985 cũng đã là một tiến bộ rất lớn”, ông Việt đánh giá.

Sau một thời gian dài thi hành BLHS 1985, tình hình kinh tế xã hội đất nước có những thay đổi to lớn, đòi hỏi phải sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh mới. Thực hiện chủ trương sửa đổi toàn diện BLHS, năm 1993 Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Việt là Tổ phó Tổ Biên tập.

Quá trình thực hiện, ông Việt hồi ức luôn đau đáu làm sao hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự nên gửi gắm rất nhiều tâm huyết của mình. Trước hết là vấn đề nhân đạo trong chính sách hình sự. Khi được giao làm về vấn đề này, ông và mọi người trong Vụ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo luật của nước ngoài, so sánh với tình hình thực tế của Việt Nam.

Từ 44 tội danh có hình phạt cao nhất là tử hình trong BLHS 1985; đến BLHS năm 1999 chỉ còn 29 tội. Việc này phù hợp định hướng nhân đạo trong chính sách hình sự, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo kinh nghiệm của ông Việt, không phải cứ hình phạt nặng thì sẽ giảm tội phạm, điều quan trọng là giáo dục hướng thiện, các hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. BLHS năm 1999 được Quốc hội thông qua đã góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trong suốt nhiều năm.

Một vấn đề khá thú vị, là ngay từ BLHS 1999, ông Việt đã mạnh dạn đề xuất một số định hướng mới, trong đó có việc bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. “Bởi theo tôi, cấu thành tội phạm của tội này không rõ, quá rộng. Thời điểm đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã mời các nhà khoa học, các cán bộ công an, VKS, tòa án đến để bàn về vấn đề trên. Tôi e ngại nếu xử lý không chính xác có thể dẫn đến hình sự hóa các quan hệ dân sự, các nhà kinh doanh rất sợ”, ông Việt nhớ lại.

Khi ấy, ông Việt đặt vấn đề xem từ trước đến nay có biểu hiện gì của “cố ý làm trái” đã điều tra, truy tố, xét xử, đưa ra để mọi người xem xét, đánh giá; nhưng không thể liệt kê được vì thực tiễn cố ý làm trái rất phong phú, trong khi về nguyên tắc, pháp luật phải bám sát thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn. Qua các cuộc họp, mọi người thống nhất đặt ra 2 phương án: Bỏ tội danh trên bằng một số tội danh cụ thể khác (quan điểm của Bộ Tư pháp và doanh nghiệp); và giữ tội danh trên (quan điểm của một số cán bộ tố tụng) để xin ý kiến.

Sau khi lấy phiếu biểu quyết của các đại biểu, Quốc hội thấy số phiếu đồng ý giữ tội danh trên nhiều hơn nên vẫn giữ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong BLHS 1999. Phải đến BLHS năm 2015, tội danh trên mới bị bãi bỏ.

“Năm 1999, quan điểm bỏ tội danh trên chưa được Quốc hội thông qua là do chúng tôi chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. Đến 2015 khi chuẩn bị kỹ hơn, lập luận rõ ràng hơn, mới được Quốc hội thông qua”, ông Việt chia sẻ.

Dù một vài đề xuất chưa được Quốc hội thông qua trong BLHS 1999, nhưng ông Việt cho hay không nản chí; mà luôn nghiêm khắc với mình phải cố gắng tự hoàn thiện học hỏi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc; đồng thời không ngừng truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp.

Đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục cống hiến

Năm 2009 ông Việt nghỉ theo chế độ. Nhưng khi được mời tham gia đóng góp ý kiến để sửa đổi, hoàn thiện BLHS 2015, ông lập tức nhận lời.

Ông Việt cho biết nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những ý kiến đề xuất trong BLHS 1999 chưa được Quốc hội thông qua thì nay đã được thông qua hết. Như tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được thay thế bằng 15 tội danh khác cụ thể trong lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, sử dụng tài sản công, bán đấu giá… “Thay 1 tội bằng 15 tội danh khác, đến giờ cũng chưa thấy phát sinh ra tội danh mới nào mà cần phải bổ sung”, ông Việt đánh giá.

Khi tham gia xây dựng, sửa đổi hoàn thiện BLHS 2015 với vai trò chuyên gia, ông tiếp tục quan tâm chính sách hình sự với người chưa thành niên phạm tội. Ông cho hay bản thân đã nghiên cứu “đông tây kim cổ”, Công ước của Liên Hợp quốc về quyền con người, quyền trẻ em thì thấy BLHS năm 1999 “chưa đáp ứng được”.

“BLHS năm 1999 chỉ quy định người từ 14 đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự với các tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng. Từ ngữ này không chính xác, khó hiểu”, ông Việt nói. Theo ông Việt, “rất nghiêm trọng do cố ý”, là từ khó hiểu với nhiều người dân bình thường. Làm sao để các em biết hành vi nào là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để phòng ngừa? Ông Việt đã “tìm lời giải” bằng cách đưa vấn đề người từ 14 đến dưới 16 tuổi chịu TNHS với một số tội nhất định (15 tội) gồm tội “Giết người”, “Cướp tài sản”… ra Tổ biên tập. Tại đây, các thành viên thảo luận rồi thêm bớt một số khác vào, sau đó trình Quốc hội.

“Quốc hội sau đó đã quyết định người thành niên chỉ phải chịu TNHS với 28 tội danh. Đây cũng là một cái đạt được trong quá trình sửa đổi BLHS 2015. Bởi một trong những định hướng của BLHS sửa đổi là phải hội nhập quốc tế, phù hợp các hiệp ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, ông Việt nói.

Không chỉ tham gia góp ý sửa đổi BLHS, ông Việt còn tham gia nhiều dự án nước ngoài, viết bài nghiên cứu cho các tạp chí trong lĩnh vực pháp lý… Nhiệt huyết với ngành Tư pháp, với việc hoàn thiện các lĩnh vực pháp luật chưa bao giờ vơi bớt trong ông.

Từ 44 tội danh có hình phạt cao nhất là tử hình trong BLHS 1985; đến BLHS năm 1999 chỉ còn 29 tội. Việc này phù hợp định hướng nhân đạo trong chính sách hình sự, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo kinh nghiệm của ông Việt, không phải cứ hình phạt nặng thì sẽ giảm tội phạm, điều quan trọng là giáo dục hướng thiện, các hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. BLHS năm 1999 được Quốc hội thông qua đã góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trong suốt nhiều năm.

Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) nơi ông Việt nhiều năm lãnh đạo nhiều lần được nhận Cờ Thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng. Ông Việt cũng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; là phần thưởng mà Đảng, Nhà nước ghi nhận những đóng góp của ông trong công cuộc xây dựng hoàn thiện pháp luật.

Hồng Mây