Phát biểu tại phiên họp, biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, nền kinh tế của một quốc gia phát triển hay trì trệ, thịnh vượng hay nghèo đói không chỉ do vị trí địa lý, văn hóa, tiềm lực, tiềm năng, các nguồn lực mà quan trọng và quyết định là đường lối của Đảng cầm quyền và thể chế - công cụ cụ thể hóa đường lối của Đảng cầm quyền.
“Bởi vậy, xây dựng, cải cách, hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa kịp thời đường lối của Đảng có ý nghĩa quyết định cho sự thịnh vượng của nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ vấn đề và coi đó là một trong những đột phá chiến lược và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả”, đại biểu nói.
Phân tích những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng thể chế trong 6 tháng đầu năm, đại biểu Tám chỉ ra rằng, việc xây dựng, cải cách thể chế hành chính vẫn còn bộc lộ những hạn chế như số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều nhưng vẫn còn những nội dung chồng chéo, trùng lắp, chưa thật ổn định; thủ tục hành chính vẫn còn yếu tố gây phiền hà, nhũng...
“Quan điểm công tác làm luật phải hướng vào cải cách thể chế và quan điểm Chính phủ cần tập trung vào cải cách thể chế cho thấy sự coi trọng và thúc đẩy mục tiêu hoàn thiện thể chế. Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình này. Đây cũng là yếu tố quyết định cho sự hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025”, đại biểu nói.
Cũng quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật là lực lượng nòng cốt, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hiệu quả thi hành pháp luật.
“Yêu cầu tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ đặt ra ở nhiều lĩnh vực nhưng với tầm quan trọng đặc biệt của thể chế, rất cần có giải pháp đủ mạnh ưu tiên củng cố, tăng cường năng lực đội ngũ pháp chế”, đại biểu nói.
Đại biểu nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã rất quan tâm, kịp thời chỉ đạo nhiều giải pháp đổi mới, trong đó có ý kiến chỉ đạo cần đầu tư thỏa đáng cả về con người, kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật.
Vẫn theo đại biểu, dù đội ngũ pháp chế đã từng bước được củng cố, có nhiều đóng góp có kết quả tốt vào công tác xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật nhưng nhìn chung, đội ngũ này chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo xây dựng chính sách, áp dụng pháp luật.
“Bất cân xứng giữa đội ngũ này với khối lượng công việc về xây dựng và thi hành pháp luật đặt ra ngày càng nhiều điểm mới, điểm khó. Thống kê sơ bộ hiện nay cho thấy, đội ngũ pháp chế chuyên trách ở trung ương có khoảng 1.400 người, trong đó làm chuyên trách pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ là khoảng 1/3; chuyên trách pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh khoảng 450 người. Điều đáng quan tâm là đội ngũ này đang có xu hướng giảm mà nguyên nhân chính mà nhiều trường hợp xin chuyển công việc là do không muốn hoặc không thể gắn bó với nghề. Đáng tiếc là nhiều người được đào tạo cơ bản, có năng lực”, đại biểu nói.
Từ phân tích trên, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, khẩn trương hoàn thiện quy định về tổ chức pháp chế, trước mắt cần có biện pháp cụ thể để sớm khắc phục một số bất cập, như nhiều cơ quan tuyển người cho biên chế là pháp chế nhưng bố trí công việc khác hoặc kiêm nhiệm, nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hiện không có vị trí việc làm về pháp chế, công chức pháp chế nợ tiêu chuẩn, chưa có bằng cử nhân luật…
Đại biểu đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm tạo điều kiện cơ hội thực chất cho cán bộ, công chức pháp chế phát triển; đề nghị Chính phủ quan tâm quy định về chức danh nghề cho người làm công tác pháp chế chuyên trách.
“Thực tế cho thấy làm ra quy định pháp luật tốt là công việc rất khó, tốn kém thời gian và công sức. Đổi lại, hệ thống pháp luật tốt có thể xem là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, là nguồn lực cho đất nước phát triển bền vững”, đại biểu nói.
Từ phân tích trên, đại biểu Ba đề nghị Chính phủ đặt công tác pháp chế, xây dựng pháp luật thuộc nhóm việc đòi hỏi khắt khe nhất về phẩm chất tư duy, trí tuệ, đạo đức nghề từ đó có cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp và tiền lương thỏa đáng cho đội ngũ pháp chế khi triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nội dung về giải pháp tăng cường năng lực cho đội ngũ pháp chế, đồng thời đề nghị hàng năm báo cáo nội dung này tại báo cáo chung về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.