Bộ Tư pháp triển khai “những việc cần làm ngay” theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ

24/06/2021
Bộ Tư pháp triển khai “những việc cần làm ngay” theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1042/QĐ-BTP ngày 23/6/2021 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp. Việc ban hành Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả những việc cần làm ngay theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 01/6/2021 của Văn phòng Chính phủ, nhất là những nhiệm vụ cấp bách, cần thực hiện ngay.
Theo đó, kế hoạch xác định cần triển khai đó là tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng trong ngành tư pháp, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của ngành tư pháp.

Nghiên cứu, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; làm rõ chức năng, nhiệm vụ để trên cơ sở đó xây dựng vị trí việc làm của từng đơn vị, cá nhân; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Chủ động nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật; tham mưu hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật.

Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi tham gia tư vấn pháp luật trong giải quyết các tranh chấp quốc tế; tăng cường vai trò là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo và đổi mới các giải pháp thực hiện nhiệm vụ đi đôi với đầu tư nguồn lực con người và kinh phí trong các lĩnh vực hành chính tư pháp và quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực dịch vụ pháp lý; đồng thời, phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư.

Tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật theo hướng truyền thông dẫn dắt, chủ động thông tin, tuyên truyền về các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật từ khâu soạn thảo để người dân biết, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, thực hiện, kiểm tra và người dân được thụ hưởng kết quả.

Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tư pháp. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án “các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”. Thực hiện hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL; triển khai thực hiện tốt Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Tham mưu giúp Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết để xử lý những quy định ở các luật, pháp lệnh đang còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sớm sửa đổi các quy định về kinh phí thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn kinh phí hợp lý, nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho những lĩnh vực còn yếu và thiếu của ngành tư pháp và đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành.

Kế hoạch yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã phân công theo đúng thời hạn đã xác định. Trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn nếu có./.

Kim Quy