Trong các ngày từ 10 đến 12-5, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đơn vị bầu cử số 2, TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận 1 và quận 3, để trình bày chương trình hành động. Các ứng cử viên tại đơn vị này gồm ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư Pháp; Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM; bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng khoa Khoa kỹ thuật Y sinh, ĐH Quốc tế, ĐH quốc gia; ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM; bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận uỷ quận 1.
Trong các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã đóng góp ý kiến về chương trình hành động của các ứng cử viên, công tác xây dựng luật, công tác đảm bảo an ninh trật tự, chống tham nhũng, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và các vấn đề an sinh, xã hội…
Trình bày chương trình hành động của mình, ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, cho biết sẽ tham mưu cho QH xây dựng và ban hành kịp thời các đạo luật phù hợp với thực tế, với mong muốn của cử tri và ổn định hơn, ít phải sửa đổi, bổ sung.
Ông cũng chú trọng tạo cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có tính đến đặc thù của các đô thị lớn như TP.HCM, đặc biệt là các vấn đề đất đai, nhà ở, quy hoạch, phân cấp, ủy quyền giữa trung ương và địa phương trong một số lĩnh vực; tạo thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, gỡ bỏ giấy phép con…
Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính (ngoài cùng bên phải) cùng các lãnh đạo TPHCM và quận 1 tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: CTV
Báo cáo với cử tri quận 1 về giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng luật, ông Đỗ Đức Hiển cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, ban hành luật, đảm bảo sát với thực tiễn, tránh chồng chéo, mâu thuẫn thì cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.
Trong đó cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong tham mưu ban hành luật; thực hiện thực chất hơn việc đánh giá tác động chính sách để bảo đảm tính khả thi và khả năng dự báo; chú trọng công tác lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường cơ chế phản biện của các tổ chức.
Về nguồn lực, cần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng, thẩm định, thẩm tra các dự án luật; phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách trong việc tham gia sâu vào quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm tra các dự án luật…
Báo cáo với cử tri quận 3 về vấn đề nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ông Đỗ Đức Hiển cho biết ngoài việc hoàn thiện pháp luật theo hướng xử lý nghiêm minh loại tội phạm này thì cần phải nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá toàn diện về khả năng xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội.
Đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đặc biệt tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền.
Các ứng cử viên còn lại cũng cam kết sẽ có những giải pháp tạo môi trường đầu tư lành mạnh; chú trọng chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19; nói không với tiêu cực trong thi cử, xóa bỏ vấn nạn “học giả bằng thật”, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em,…
Cả năm ứng cử viên khẳng định và cam kết gắn bó gần gũi với TP.HCM, quyết liệt thực hiện việc xây dựng đô thị thông minh, đồng thời làm tất cả để từng người dân TP cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, vì một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Dù trúng cử hay không thì năm ứng cử viên vẫn sẽ hoàn thành tốt chương trình hành động như đã cam kết. |