Quốc hội thảo luận dự luật Thuế Tài nguyên: Không thể điều chỉnh cả đối tượng “có thể phát sinh”

22/10/2009
Quốc hội thảo luận dự luật Thuế Tài nguyên: Không thể điều chỉnh cả đối tượng “có thể phát sinh”
Ông Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng: “Khoản 8 Điều 2 của Dự thảo luật quy định đối tượng chịu thuế là: “Các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này” nhằm điều chỉnh những đối tượng có thể phát sinh là không đảm bảo tính chặt chẽ”. Nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở Tổ ngày 21/10 về dự luật Thuế tài nguyên đồng tình với ý kiến này.

Tính thuế theo sản lượng khai thác là không ổn

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, về nguyên tắc, trong trường hợp luật không quy định thẩm quyền thì không ai có quyền quyết định đưa tài nguyên không thuộc đối tượng chịu thuế vào đối tượng chịu thuế. Vì vậy, để bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tránh vận dụng tùy tiện, tạo ổn định cho môi trường đầu tư, Chính phủ cần xác định cụ thể đối tượng chịu thuế và thuế suất đối với từng loại tài nguyên. 

Theo quy định tại Điều 5, dự thảo Luật, căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất. Đại biểu Trần Văn Độ, tỉnh An Giang cho rằng, quy định như vậy sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đại biểu Trần Văn Độ dẫn chứng: ”Nếu khai thác bao nhiêu tính thuế bấy nhiêu thì thuế thu được của những người khai thác vàng cám đáng bao nhiêu so với phần đất, đá, nước mà hoạt động khai thác này bỏ đi. Tiền thuế thu được không bõ so với tiền phải bỏ ra khắc phục hậu quả môi trường”. Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng thực tế khai thác do các doanh nghiệp tự kê khai. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, việc kiểm soát sản lượng khai thác thực tế của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp khai thác còn nhiều sơ hở, bất cập, chưa bảo đảm hiệu quả quản lý, dẫn đến sản lượng kê khai thuế không đúng với sản lượng khai thác thực tế, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần xem xét để bổ sung các quy định cần thiết, tạo cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn; có các chế tài đủ mạnh để góp phần hạn chế tình trạng này.

Chính phủ không có quyền quyết định mức thuế suất

Tại Tờ trình dự Luật, Chính phủ dự kiến giữ biểu khung thuế suất như quy định hiện hành với 8 nhóm đối tượng chịu thuế, trong đó có dầu thô với mức thuế suất từ 6 – 40%.  Khung thuế suất được áp dụng theo các nhóm, không có khung cho từng đối tượng chịu thuế. Chính phủ sẽ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế. Đại biểu Lê Việt Trường, tỉnh An Giang, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng, tỉnh Quảng Bình và nhiều đại biểu khác cùng quan điểm cho rằng: “Chính phủ không có thẩm quyền quyết định mức thuế suất, thẩm quyền đó phải thuộc về Quốc hội”. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: căn cứ vào Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội thì chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó quyết định mức thuế suất cụ thể áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân. Đồng tình với các đề xuất này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: khác với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên mang tính ổn định cao, không chịu tác động lớn của thị trường, trong khi đó, hiện nay Ủy ban thường vụ Quốc hội họp mỗi tháng 1 kỳ, trong trường hợp thật đặc biệt, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, Quốc hội giao UBTVQH xem xét, quyết định thuế suất cụ thể là phù hợp hơn cả.

Theo Chương trình dự kiến, ngày 03/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này.

Giang Nam 

Đại biểu Lê Chu Chinh, tỉnh Lai Châu: “Thảo quả là cây do con người trồng, không phải tự nhiên mà có. Thảo quả chỉ có ở các tỉnh miền núi, vừa có tác dụng giữ rừng, vừa giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Bởi vậy, không thể đưa thảo quả vào đối tượng chịu thuế theo Luật này”.