Danh mục VB quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9

08/07/2020
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 1109/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 43 văn bản quy định chi tiết thi hành 11 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
11 luật, nghị quyết gồm:
(1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (2) Luật Thanh niên (sửa đổi); (3) Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; (4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; (5) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; (6) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; (7) Luật Đầu tư (sửa đổi); (8) Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); (9) Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; (10) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và  một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; (11) Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
43 văn bản quy định chi tiết bao gồm: 28 nghị định, 04 quyết định, 11 thông tư, cụ thể:
(1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Chính phủ ban hành 01 nghị định để sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 (2) Luật Thanh niên (sửa đổi): Chính phủ ban hành 02 nghị định quy định chi tiết 04 nội dung.
(3) Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Chính phủ ban hành 03 nghị định quy định chi tiết 13 nội dung.
(4) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp:
- Chính phủ ban hành 01 nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành 01 thông tư quy định chi tiết 01 nội dung.
(5) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng:
- Chính phủ ban hành 05 nghị định quy định chi tiết 28 nội dung;
- Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành 02 thông tư quy định chi tiết 02 nội dung;
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành 02 thông tư quy định chi tiết 02 nội dung;
- Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 01 thông tư quy định chi tiết 02 nội dung.
 (6) Luật Đầu tư (sửa đổi):
- Chính phủ ban hành 07 nghị định quy định chi tiết 27 nội dung;
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành 01 thông tư quy định chi tiết 01 nội dung.
- Ngoài 28 nội dung giao quy định chi tiết đã nêu, Luật Đầu tư (sửa đổi) còn giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 52: “Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện hình thức đầu tư quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, điểm d khoản 1 quy định: Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài”. Qua trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì xây dựng luật) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định số 135/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài), các nội dung của Luật Đầu tư (sửa đổi) không làm thay đổi nội dung của Nghị định số 135/2015/NĐ-CP. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 135/2015/NĐ-CP nêu trên.
Bên cạnh đó, trong công văn đề xuất văn bản quy định chi tiết Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị định quy định chi tiết khoản 4 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi), thời hạn trình Chính phủ là trước ngày 31/10/2020, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, tại khoản 4 Điều 75 của Luật Đầu tư (sửa đổi) đã giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể mức ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp (tương tự như quy định tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp đã giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi). Do đó, quy định nêu trên là đã cụ thể và đảm bảo áp dụng được ngay mà không cần phải có văn bản quy định chi tiết. 
Bộ Tư pháp nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính và đã trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu Tư là không đề xuất xây dựng văn bản quy định cụ thể khoản 4 Điều 75 của Luật Đầu tư (sửa đổi).
(7) Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Chính phủ ban hành 04 nghị định quy định chi tiết 21 nội dung. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) còn giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 7 Điều 114 và khoản 5 Điều 129. Tuy nhiên, các bộ không đề xuất đưa vào Danh mục phân công văn bản quy định chi tiết 02 nội dung trên, lý do cụ thể như sau:
- 01 nội dung (về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết – khoản 7 Điều 114 của Luật), dự kiến sẽ được quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo; theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định này phải trình Chính phủ trong tháng 9/2020 để có hiệu lực thi hành đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán từ ngày 01/01/2021).
- 01 nội dung (về loại trái phiếu, hồ sơ, trình tự phát hành và giao dịch trái phiếu riêng lẻ; công bố thông tin; phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế - khoản 5 Điều 129 của Luật), dự kiến sẽ được quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Bộ Tài chính đang soạn thảo; theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định này phải trình Chính phủ trong tháng 9/2020 để có hiệu lực thi hành đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán từ 01/01/2021).
Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đều có hiệu lực từ 01/01/2021, do đó, việc ban hành 02 nghị định nêu trên để quy định chi tiết Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đều bảo đảm về thời điểm có hiệu lực để triển khai thi hành 02 Luật. 
(8) Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án:
- Chính phủ ban hành 01 nghị định quy định chi tiết 01 nội dung;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành 01 thông tư quy định chi tiết 01 nội dung.
(9) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều:
- Chính phủ ban hành 02 nghị định quy định chi tiết 07 nội dung;
- Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định để quy định chi tiết 05 nội dung;
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 03 thông tư quy định chi tiết 04 nội dung.
(10) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng:
- Chính phủ ban hành 01 nghị định quy định chi tiết 02 nội dung;
- Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 quyết định quy định chi tiết 01 nội dung.
 (11) Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác: Chính phủ ban hành 01 nghị định quy định chi tiết 01 nội dung.
Quyết định cũng quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cụ thể:
Điều 1 - quy định về việc ban hành Danh mục, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và xác định thời hạn trình, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Điều 2 - quy định về trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp tham gia soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết và quy định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số văn bản. Cụ thể:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, tuyệt đối không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công xây dựng, trình văn bản.
Bên cạnh đó, tại điểm e khoản 1 Điều 2 của dự thảo Quyết định đã giao các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với: (i) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất và ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 4 Điều 18a được bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều( ); (ii) Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất và ban hành văn bản quy định chi tiết khoản 3 Điều 26a được bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đảm bảo đúng chất lượng, tiến độ.
- Đối với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, có trách nhiệm cử công chức, lãnh đạo tham gia soạn thảo, chỉnh lý và theo dõi, đôn đốc quá trình xây dựng, trình ban hành các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, thẩm tra, trình các dự thảo nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
- Về áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn: Một số luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, nhưng có hiệu lực sớm (kể từ ngày 01/01/2021) như Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng,... Do vậy, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ và căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, khoản 4 Điều 2 dự thảo Quyết định quy định cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số văn bản được xác định cụ thể tại Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết (ban hành kèm theo Quyết định).
 Điều 3 - quy định về hiệu lực thi hành của Quyết định và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thi hành Quyết định này.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật