Việc làm tốt công tác củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải, hòa giải viên là một trong những tiền đề để Mặt trận làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.
Công tác hòa giải ở cơ sở có dấu ấn sâu đậm của những người làm công tác Mặt trận. Theo bà Phạm Thị Hồng, Phó Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) khi Mặt trận và các tổ chức thành viên làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải thì những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế được đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư.
-Theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, MTTQ Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở. Bà đánh giá như thế nào về kết quả, đóng góp của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở?
Bà Phạm Thị Hồng: Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7/NQTW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với ngành tư pháp cùng cấp triển khai thực hiện thống nhất pháp luật về hòa giải ở cơ sở từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở địa bàn dân cư.
Qua 6 năm phối hợp triển khai thực hiện bước đầu đã có những chuyển biến tích cực được thể hiện qua các mặt cơ bản như: Tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Trong đó, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động hướng dẫn, lồng ghép trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam chủ trì và phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;” Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Xây dựng gia đình văn hóa”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo” ...đây là những hoạt động rất sôi động, thiết thực đưa công tác hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, việc làm tốt công tác củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải, hòa giải viên là một trong những tiền đề để Mặt trận làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.
Theo đó, Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết liên tịch số 01 năm 2014 giao Trưởng ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.
Việc bầu hòa giải viên được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban Công tác Mặt trận bằng một trong các hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình; phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.
Khi Mặt trận và các tổ chức thành viên làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải thì những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế được đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư.
-Theo bà đâu là những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở của MTTQ Việt Nam?
Bà Phạm Thị Hồng: Trong triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đã cho thấy nơi nào cấp ủy quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân trên địa bàn thì nơi đó sẽ làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, công tác hòa giải ở cơ sở của Mặt trận cũng gặp nhiều khó khăn vì còn một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa phù hợp với thực tiễn đặc biệt là quy trình bầu hòa giải viên còn rườm rà, hình thức, không khả thi nhất là việc tổ chức họp dân hoặc phát phiếu lấy ý kiến hộ gia đình theo quy định tại Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở.
Cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay, một số nơi hoạt động hòa giải còn mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc bị hành chính hóa làm mất đi ý nghĩa và bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận của hoạt động hòa giải. Nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Năng lực hòa giải viên một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành; một số vụ việc quá trình hoà giải chưa giải quyết triệt để dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài và phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng.
-Vậy đâu là giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hồng: Để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn trong công tác hòa giải trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, xác định để công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong điều kiện chưa sửa Luật Hòa giải ở cơ sở, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào luật, trong đó quy định rõ hơn vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận; trách nhiệm của ngành tư pháp các cấp trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Mặt trận cũng cần nghiên cứu xây dựng Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Bộ Tư pháp trong đó có hoạt động phối hợp thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt cần xem xét nghiên cứu đưa tiêu chí chất lượng hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành) là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng chính quyền và MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận hàng năm ở cơ sở.
Một trong những giải pháp rất quan trọng nữa là phải đảm bảo nguồn kinh phí thỏa đáng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đồng thời huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật đã nghỉ hưu, người có uy tín, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ái Châu (thực hiện)
baophapluat.vn