Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp

19/08/2019
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch).

Mục tiêu của quy hoạch là bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, tạo đột phá trong quản lý, từng bước xóa bỏ sự can thiệp và bao cấp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường phân cấp, thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, bền vững; nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.
Giảm 5 đơn vị sự nghiệp
Đến năm 2021, về mạng lưới các đơn vị sự nghiệp, thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Tư pháp, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và đồng bộ với kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Đến hết năm 2021 giảm 05 đơn vị sự nghiệp so với năm 2017 (chiếm 22,7%) và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Về thực hiện cơ chế tự chủ, các đơn vị tăng dần mức độ tự chủ hàng năm trên cơ sở phù hợp với lộ trình tính chi phí thực hiện dịch vụ hoặc giá dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác. Phấn đấu đến hết năm 2021 có tối thiểu 10 đơn vị sự nghiệp của Bộ tự bảo đảm chi thường xuyên, giảm bình quân ít nhất 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; thực hiện vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp đối với những đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện theo quy định.
Theo Quy hoạch, đến năm 2021, lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, duy trì 3 Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; tập trung nâng cao chất lượng của hoạt động đăng ký giao dịch, tài sản của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, tiếp tục nghiên cứu rút ngắn quy trình xử lý và thời gian, chi phí thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch, tài sản. Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên, hàng năm tăng mức độ tự chủ để đến hết năm 2021 thực hiện tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên.
Lĩnh vực lý lịch tư pháp, giai đoạn đến năm 2021 duy trì Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Quy hoạch cũng nêu việc thực hiện giải thể hoặc sáp nhập 3 đơn vị sự nghiệp: Giải thể Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản tập trung thuộc Cục Kế hoạch - Tài chính; giải thể hoặc sáp nhập Trung tâm Thông tin, hỗ trợ pháp luật thuộc Cục Công tác phía Nam vào Cơ sở của Học viện Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật
Về các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, theo Quy hoạch, giai đoạn đến năm 2021, duy trì và phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”; Quyết định số 2083/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.
Các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn đến năm 2021, rà soát, đánh giá các điều kiện, năng lực và nhu cầu xã hội để tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ; thực hiện nâng cấp 3 Trường Trung cấp Luật lên Cao đẳng Luật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột để thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk (từ ngày 31/12/2019); chuyển giao Trường Trung cấp Luật Tây Bắc về Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La quản lý hoặc chuyển đổi thành phân hiệu của 1 Trường Cao đẳng Luật trực thuộc Bộ Tư pháp theo quy định.
Bên cạnh đó, đến 2021 duy trì 1 đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học về chiến lược, chính sách thuộc Bộ là Viện Khoa học pháp lý do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ. Duy trì 3 đơn vị báo chí, xuất bản thuộc Bộ: Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp theo Quy hoạch định hướng mạng lưới đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…/.