- Theo quy định hiện hành, thẩm quyền ban hành văn bản của cấp tỉnh đến đâu, thưa ông?- Theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì ở cấp tỉnh có 2 loại văn bản: thứ nhất là nghị quyết của Hội đồng nhân dân, thứ hai là quyết định của Uỷ ban nhân dân mà người thay mặt ký là chủ tịch. Những văn bản này có giá trị pháp lý nhất định nhưng không được vượt quá khung pháp luật mà Nhà nước cho phép.
Gọi là cụ thể hoá những quy định đó trên điều kiện cụ thể của từng tỉnh nhưng nhất thiết không được vượt quá. Ở đây có hành vi xử phạt, khung xử phạt và thẩm quyền của người phạt, nhà nước đều có quy định, anh ở cấp nào thì có quyền tương đương cấp đó
- Trong thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành phố đã tự ý ra các văn bản vượt quá thẩm quyền của mình hoặc trái với luật khung (gọi là văn bản "xé rào"). Xin ông cho biết quan điểm?
- Một quốc gia thống nhất thì pháp luật phải thống nhất, đó là nguyên tắc pháp chế. Do đó nếu các văn bản của địa phương mà không thống nhất với cấp trên thì theo thủ tục kiểm tra văn bản, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, khi phát hiện thì phải có biện pháp để xử lý.
Vừa rồi Bộ Tư pháp thực hiện tiến hành kiểm tra văn bản trên phạm vi toàn quốc trên 2 lĩnh vực lớn: Ưu đãi đầu tư và xử phạt hành chính, đã phát hiện nhiều địa phương có những quy định trên hai lĩnh vực này đã vượt quá thẩm quyền của mình hoặc trái với quy định cấp trên.
Bộ Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ và Chính phủ đã có quyết định gửi đến các địa phương. Trước tiên là ngừng thi hành những quy định sai đó. Đến nay, theo báo cáo thì các địa phương đã tích cực làm việc này.
- Những văn bản đó đã "xé rào" theo kiểu nào, ông có thể nói cụ thể hơn?
- Ví dụ "ông" đưa ra những ưu đãi vượt quá khung ưu đãi của nhà nước để thu hút đầu tư vào tỉnh mình
- Vậy đây tức là một hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh?
- Thiếu lành mạnh thì chưa nói, nhưng rõ ràng vượt quá cái khung nhà nước cho phép. Trong việc xử phạt hành chính cũng vậy, khung chỉ cho đến đây thôi nhưng anh vượt quá, hoặc anh đưa ra những giải pháp không có trong pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, như vậy là không được.
- Nhưng các địa phương thường nại ra rằng: Do đặc thù địa phương đang cần kíp, chờ cấp trên thì lâu nên mới tự ý "xé rào"?
- Trong thực tế thế này: Luật là cái chung nên không thể nói nó sẽ phúc đáp được đầy đủ cho tất cả các tỉnh, vì mỗi tỉnh mỗi đặc thù. Nhưng không thể vì cái đặc thù riêng đó mà anh vi phạm cái chung.
Để xử lý cái đặc thù này thì Chính phủ cũng đã làm nhiều rồi. Nếu có lĩnh vực nào đó mà do yêu cầu đặc thù, anh muốn có quy định khác cái chung thì phải xin phép Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ để được làm thí điểm. Như vậy, dù quy định mới có vượt quá luật khung nhưng chứng minh được hiệu quả, thì sẽ được áp dụng chính thức.
Nhiều trường hợp như vậy rồi, ví dụ như vấn đề sau cai nghiện chẳng hạn. Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này là xuất phát từ TP.HCM đấy chứ. Quy định cưỡng chế chữa bệnh chỉ có 2 năm nhưng sau đấy "ông" thuyết phục được thì đấy là vượt quá khung của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Như vậy anh xin làm thử thì cho, qua thực tế hiệu quả thì hiện giờ đã có rất nhiều tỉnh làm theo, và sau này chúng ta lại phải sửa pháp lệnh kia, không thể để tình trạng 2 năm.
- Như vậy là có "mô hình thí điểm" dành cho các địa phương?
- Kỷ luật là một chuyện, nhưng sáng tạo lại là một chuyện khác, tất nhiên sáng tạo cũng phải có tổ chức.
- Xin cám ơn ông!
(Theo VietnamNet)