Đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc)

27/10/2009
Được sự phê duyệt của Chính phủ[i], trong ba ngày từ 28-30/10/2009, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan Toà án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ đàm phán Vòng 1 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Hàn quốc.Việc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định này là một trong các hoạt động quan trọng nhằm triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về việc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược,[ii] vừa được ký nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak mới đây, từ ngày 20-22/10/2009.

Bài viết dưới đây trình bày ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc đàm phán và ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

 Chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước

Việc đàm phán để ký kết Hiệp định TTTP với các nước nói chung và với Hàn Quốc nói riêng là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, được thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Cụ thể, hai Nghị quyết này đều chỉ rõ nhiệm vụ “tiếp tục ký kết Hiệp định TTTP với các nước khác, trước hết ưu tiên các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước quan hệ truyền thống”.[iii] 

Nhu cầu hợp tác với Hàn Quốc về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 12/1992. Đặc biệt, sau khi thiết lập "Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương năm 2001, quan hệ giao lưu và hợp tác giữa hai nước đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế - thương mại, xã hội, văn hóa, du lịch… Hàn Quốc đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam - kim ngạch thương mại hai nước năm 2008 đã đạt 10 tỷ USD, tăng 20 lần so với 500 triệu USD vào thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí sẽ nỗ lực đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời cùng nỗ lực hợp tác vì sự cân bằng cán cân thương mại song phương.[iv]

Xu hướng hợp tác về  tương trợ tư pháp được đặt ra ngày càng nhiều với những nước có nhiều công dân sinh sống ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc. Hiện có khoảng 5000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc. Trong lĩnh vực lao động, hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba của Việt Nam. Khoảng 54.000 lao động ta đang làm việc tại Hàn Quốc. Về du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành 1 trong những thị trường cung cấp nguồn khách du lịch trọng điểm của Việt Nam: năm 2007 là 475.000 lượt; năm 2008 do khủng hỏang kinh tế nên con số này giảm xuống còn 450.000 lượt.

Hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp chính là một đòi hỏi khách quan, một quy luật tất yếu của sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của quan hệ giao lưu về mọi mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung, hay giữa các chủ thể khác của pháp luật hai quốc gia nói riêng. Sự phát triển toàn diện, nhanh chóng quan hệ về lao động, thương mại, đầu tư, du lịch... giữa Việt Nam và Hàn Quốc làm phát sinh nhu cầu lớn về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó yêu cầu cấp bách đặt ra là việc đàm phán, ký kết Hiệp định TTTP nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp của hai nước khi tham gia vào các quan hệ thương mại, dân sự, đầu tư… tại nước sở tại. Vai trò của tương trợ tư pháp là hết sức thiết thực, ngoài việc trực tiếp phục vụ cho quá trình xét xử của Toà án đối với các vụ án dân sự, hình sự, còn là biện pháp bảo đảm thực thi pháp luật của quốc gia trong trường hợp liên quan đến một quốc gia khác hoặc đương sự ở NN, đồng thời còn góp phần củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa các quốc gia

Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký Hiệp định hợp tác dẫn độ tội phạm (9/2003), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (9/2003) và Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù (5/2009). Với Hiệp định tương trợ tư pháp (Hiệp định TTTP) về dân sự và thương mại, Hàn Quốc  cũng  đã nhiều lần bày tỏ mong muốn với Việt Nam về việc đàm phán và ký kết.[v] 

Tóm lại, việc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Hàn Quốc, nhất là việc thực hiện tốt công tác này không chỉ góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân hai nước, mà còn thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Hàn Quốc, vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thông tin về vòng đàm phán thứ nhất Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc sẽ tiếp tục được cập nhật./.


[i] Tại Công văn số 2008/TTg-QHQT ngày 20/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

[ii] Phần 4 Bản Tuyên bố chung nêu rõ về Hợp tác tư pháp – lãnh sự giữa hai nước như sau: Hai bên nhất trí về tính cần thiết phải mở rộng quan hệ hợp tác lãnh sự để đáp ứng sự gia tăng về giao lưu con người giữa hai nước. Hai bên thoả thuận tiến hành các biện pháp cần thiết để sớm phê chuẩn Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù và thúc đẩy ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống tương trợ tư pháp giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục quan tâm xem xét các biện pháp đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực cho công dân của nhau.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, hai bên cam kết tiếp tục quan tâm đến việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam”.

[iii] Điểm II.2.6 Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 

[iv] Nguồn: Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc về việc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược.

[v] Ngay từ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc tháng 5/2009 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên cũng đã ghi nhận việc hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất chủ trương thúc đẩy việc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

QUAN HỆ HÀN QUỐC VỚI VIỆT NAM

1) Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao : 22/12/1992

2) Những mốc lớn của quá trình phát triển quan hệ

Từ 1975-1982, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán tư nhân qua trung gian; từ 1983 bắt đầu có quan hệ buôn bán trực tiếp và một số quan hệ phi Chính phủ.

- Ngày 20/4/1992, ký thoả thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước.

- Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Cùng ngày, Hàn Quốc khai trương Đại sứ quán tại Hà Nội.

- Tháng 3/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán tại Xơ un.

- Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh.

3) Tình hình quan hệ từ sau khi lập quan hệ ngoại giao (1992) đến nay:
a, Về chính trị:

Hai nước duy trì thăm và gặp cấp cao hàng năm.

Lãnh đạo Hàn Quốc thăm Việt Nam có Thủ tướng Lee Young Dug (8/1994) , Chủ tịch Quốc hội Kim Soo Han (8/1996), Tổng thống Kim Young Sam (11/1996), Tổng thống Kim Tae Chung (12/1998, thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-6), Thủ tướng Lee Han Dong (08-11/4/2002), Chủ tịch Quốc hội Pac Kwan Yeong (30/9-04/10/2003), Tổng thống Nô Mu Hiên (10-12/10/2004), Thủ tướng Lee Hae Chan (19-21/4/2005), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Won Ki (14-18/1/2006), Tổng thống Hàn Quốc Nô Mu Hiên dịp dự Hội nghị APEC-14 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Lim Che Châng (19-25/4/2008).  

Lãnh đạo Việt Nam thăm Hàn Quốc có Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười (4/1995), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (3/1998), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (8/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (22-25/8/2001), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (29/8-02/9/2002), Thủ tướng Phan Văn Khải (15-19/9/2003), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (6/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (21-25/7/2004), Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự Hội nghị APEC-13 tại Hàn Quốc tháng 11/2005, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (21-24/5/2007), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh (14-16/11/2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (19-23/3/2008), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (12-16/5/08), Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (20-25/3/2009), UVBCT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức từ 28-31/5, dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc từ 31/5-02/6/2009.

Năm 2001, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Kim Te Chung đã nhất trí nâng cấp quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước lên mức “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”.

Ngày 21/02/2008, Tổng thống Hàn Quốc Nô Mu Hiên đã trao tặng Huân chương Quang Hoa hạng nhất (Grand Gwanghwa Medal), Huân chương cao quý của Chính phủ Hàn Quốc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vì những đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc 5/2009, Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận sẽ nâng cấp quan hệ hai nước lên mức “Đối tác hợp tác chiến lược”, sẽ công bố vào dịp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm chính thức Việt Nam dự kiến vào Quý IV/2009.

Hàn Quốc ủng hộ đường lối mở cửa, cải cách của Việt Nam, hợp tác tích cực với Việt Nam trên trường quốc tế, ủng hộ ta gia nhập nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế (APEC, WTO, Ủy viên không thường trực HĐBA…).   

Về kinh tế:

Hiện nay Hàn Quốc đã trở thành trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp đứng thứ nhất (năm 2008), và thứ 4 về quy mô đầu tư (tính đến 2/2009 đạt 16,2 tỷ USD, gấp 60 lần so với năm 1992) với 2064 dự án, tạo ra khoảng hơn 500 trăm nghìn việc làm. Gần đây, cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc chuyển dịch theo hướng chú trọng hơn đến lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp nặng (luyện thép, xây dựng, công nghệ thông tin); đã xuất hiện một số dự án quy mô lớn (Dự án xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép của tập đoàn Posco, dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây của tổ hợp 5 công ty xây dựng Hàn Quốc, dự án khu đô thị Bắc An Khánh của liên doanh Posco - Vinaconex….v.v) 

Về thương mại:

Bạn hàng lớn thứ tư với kim ngạch song phương năm 2008 lần đầu tiên đạt 8,85 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm 2007. Việt Nam xuất khẩu 1,78 tỷ USD (tăng 42,44% so với năm 2007, chủ yếu là nông lâm thủy sản, khoáng sản, thủ công mỹ nghệ và công nghiệp nhẹ), nhập khẩu 7 tỷ USD (tăng 32,48% so với năm 2007, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp và gia công hàng xuất khẩu). Hàn Quốc là một trong 6 thị trường Việt Nam nhập siêu nhiều nhất (năm 2008 là 5,28 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch nhập siêu của Việt Nam). Hai nước đã thành lập Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật.

Về viện trợ ODA, Việt Nam vẫn là một ưu tiên của Hàn Quốc. Năm 2006, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tăng lên mức 100 triệu USD/năm, viện trợ không hoàn lại 9,5 triệu USD/năm trong giai đoạn 2006-2009. Tại hội nghị CG 2007, Hàn Quốc cam kết tài trợ cho Việt Nam 286 triệu USD trong năm 2008 (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2007, trở thành quốc gia tài trợ ODA lớn thứ 2). Đầu tháng 8/2008, hai bên ký thỏa thuận khung về việc Hàn Quốc cung cấp 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi EDCF trong giai đoạn 2008-2011. Với cam kết này, Hàn Quốc trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Pháp) và Việt Nam là nước nhận hỗ trợ phát triển nhiều nhất của Hàn Quốc. Tổng ODA từ 1993-2008:  471,4 triệu USD (trước 2006: 30 triệu; 2006-2008: 100 triệu USD); 2008-2011: 1 tỷ USD tức khoảng 250 triệu USD/năm; dự kiến 2009: 268,7 triệu USD. Viện trợ không hoàn lại tăng lên, từ 41 triệu lên 11,5 triệu USD (2006), 11,7 triệu USD (2007), và 17,5 triệu USD (2008). 

Hai bên đã ký nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật (02/1993), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư-sửa đổi (9/2003), Hiệp định Hàng không, Hiệp định Thương mại (5/1993), Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (5/1994), Hiệp định Văn hoá (8/1994), Hiệp định Vận tải biển (4/1995), Hiệp định Hải quan (3/1995), Hiệp định về hợp tác du lịch (8/2002), Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Hiệp định hợp tác dẫn độ tội phạm (9/2003), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (9/2003), Hiệp định về viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật (4/2005 và sửa đổi 5/ 2009), Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù (5/2009).

Về lao động, hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba của Việt Nam. Khoảng 54.000 lao động ta đang làm việc tại Hàn Quốc. Ngày 25/5/2004, hai bên ký thoả thuận mới về đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép lao động (EPS) của Hàn Quốc.

Về du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành 1 trong những thị trường cung cấp nguồn khách du lịch trọng điểm của Việt Nam: năm 2007 là 475.000 lượt; năm 2008 do khủng hỏang kinh tế nên con số này giảm xuống còn 450.000 lượt.

Về văn hoá - giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hoá tháng 8/1994, Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch tháng 10/2008 cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn văn hóa-nghệ thuật, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Bộ Giáo Dục Việt Nam đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin trong giáo dục – đào tạo.

Chính phủ, các trường đại học và các tổ chức của Hàn Quốc tài trợ nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục Việt Nam như dự án xây dựng trường tiểu học, trường dạy nghề ở miền Trung. Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung, Kumho... cung cấp nhiều suất học bổng để hỗ trợ các học sinh vượt khó tại Việt Nam, đào tạo nâng cao trình độ về ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc. Hiện có khoảng 5000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc.

Các tổ chức hữu nghị, tháng 9/1994, Việt Nam thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc và hiện do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc làm Chủ tịch. Năm 2001, Hàn Quốc thành lập Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam và hiện do cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Pắc Nô Su làm Chủ tịch. Tháng 5/1993, Hàn Quốc thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam, hiện do ông Lee Byung-Suk làm Chủ tịch. Tháng 5/1995, Việt Nam thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc do ông Ngô Anh Dũng làm Chủ tịch. Tại Hàn Quốc hiện có hai dòng họ Lý của Việt Nam đang sinh sống là dong họ Lý Tinh Thiện và dòng họ Lý Hoa Sơn/. ( Trích Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

 Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

___________________________

Bài viết có liên quan:

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đoàn chuyên gia của Bộ Tư pháp Anh đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại với Việt Nam