Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia và Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

18/02/2019
Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: Giai đoạn từ nay đến năm 2030, làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu; xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.


Chiến lược cũng thực hiện mục tiêu: Ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.
Nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về viễn thám. Đến năm 2020, hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám và cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám.
Về chiến lược xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, mục tiêu là đầu tư chế tạo vệ tinh viễn thám quang học độ phân giải siêu cao, radar độ phân giải siêu cao, siêu phổ và chùm vệ tinh viễn thám nhỏ; tăng cường đầu tư phần cứng, phần mềm viễn thám phục vụ cập nhật, chia sẻ, khai thác dữ liệu viễn thám; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám (trạm cố định, trạm di động, trạm ảo và trạm thu dữ liệu viễn thám khí tượng), trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các bộ, ngành, địa phương; phát triển thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu để cung cấp dữ liệu viễn thám phục vụ nhu cầu giám sát tài nguyên môi trường và dự báo khí tượng thủy văn; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám.
Về chiến lược xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia, mục tiêu là xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia, trong đó dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải cao được cập nhật hàng năm, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải siêu cao được cập nhật 5 năm một lần phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và hàng năm cho khu vực đô thị; tích hợp dữ liệu viễn thám được thu nhận tại các trạm thu và các nguồn khác vào cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia; mua dữ liệu viễn thám của nước ngoài trong trường hợp cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, về chiến lược đẩy mạnh sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám: Cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám, định kỳ công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám giữa các cơ quan quản lý dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng; thúc đẩy sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám trong các ngành, lĩnh vực./.
Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát 
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.

Đề án nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế; góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.
Nội dung của Đề án gồm nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế; xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế phản ánh phạm vi, quy mô của khu vực kinh tế này; phương pháp đo lường.
Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả thử nghiệm, hằng năm tiến hành đo lường chính thức, cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu tài khoản quốc gia khác theo phương pháp sản xuất. Các số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức; các kỳ biên soạn, công bố, phổ biến quý I, quý II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm của các chỉ tiêu này thực hiện theo Luật Thống kê ngày 23/11/2015 và các văn bản liên quan khác.
Giải pháp chủ yếu của Đề án là khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.
Đề án xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm tính toàn diện và khả thi, phù hợp với khả năng thu thập thông tin của ngành Thống kê và các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó quy định rõ ràng, đầy đủ tiêu thức phân tổ, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập; định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào để đáp ứng yêu cầu với thực tế.
Đề án tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, góp phần nâng cao hiệu quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Đề án sử dụng đồng thời ba hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Kịp thời cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có (Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã); bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Bên cạnh đó Đề án hướng đến tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội; quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và các quy định khác, góp phần đánh giá chính xác và thu hẹp phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Đề án tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới thực hiện mục tiêu nâng mức độ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia của Thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008, lên đạt mức 4/6 vào năm 2020 và mức 6/6 vào năm 2030 đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030./.