Thi hành án dân sự và Chỉ số PCI

04/12/2018
 
  1. Một số nét cơ bản về chỉ số PCI
          Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân của 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Chỉ số PCI có thể coi như “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
          Mục đích xây dựng chỉ số PCI Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố để xác định những lĩnh vực và cách thức để thực hiện những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
          Đơn vị thực hiện và công bố chỉ số PCI? Chỉ số PCI hiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI cùng hợp tác thực hiện.
          Chỉ số PCI có cách tiếp cận xuất phát từ chính thực tiễn của Việt Nam và thiết kế theo hướng các tỉnh có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp cải cách trong điều hành kinh tế. Cụ thể như sau:
          Thứ nhất, bằng cách loại trừ ảnh hưởng của các điều kiện truyền thống ban đầu tới sự tăng trưởng kinh tế của một tỉnh (vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô của thị trường và nguồn nhân lực), nghiên cứu PCI chỉ ra rằng thực tiễn điều hành kinh tế tốt ở cấp tỉnh có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng tại Việt Nam.
          Thứ hai, thông qua việc chuẩn hóa điểm số từ các thực tiễn tốt đã có ở Việt Nam, chỉ số PCI khuyến khích chính quyền các tỉnh cải thiện chất lượng công tác điều hành trên cơ sở các thực tiễn điều hành kinh tế tốt, sẵn có tại Việt Nam mà không dựa trên một mô hình lý tưởng nào cả (và có thể không đạt được),
          Thứ ba, bằng cách so sánh đối chiếu giữa các thực tiễn điều hành với kết quả phát triển kinh tế, chỉ số PCI giúp lượng hóa tầm quan trọng của các thực tiễn điều hành kinh tế tốt đối với thu hút đầu tư và tăng trưởng.
          Thứ tư, các chỉ tiêu cấu thành chỉ số PCI được thiết kế theo hướng dễ hành động, đây là những chỉ tiêu cụ thể cho phép các cán bộ công chức của tỉnh đưa ra các mục tiêu phấn đấu và theo dõi được tiến bộ trong thực hiện.
          Với gần 12 năm hoạt động, có ít nhất Bốn tác động lớn mà PCI đã đạt được là:
          - PCI thay đổi tư duy về điều hành: Nếu trước đây các địa phương vẫn cho rằng vị trí địa lý, sự phát triển về cơ sở hạ tầng… mới là quan trọng thì PCI đã khẳng định tăng cường chất lượng điều hành sẽ tạo ra động lực phát triển của khu vực doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
          - PCI tạo công cụ giám sát hiệu quả: Qua PCI, tiếng nói của doanh nghiệp được đề cao. Mục tiêu quan trọng của chính quyền là phải hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây là mục tiêu tối thượng của mọi cuộc cải cách. Và đây có lẽ cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên lượng hóa được các chỉ số về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với các cấp chính quyền.
          - PCI là động lực cho sự thay đổi: Hiếm có công trình nào thúc đẩy sự thay đổi không chỉ thái độ mà còn là hoạt động cụ thể của chính quyền như PCI. Rất nhiều sáng kiến mới cải cách đã được các địa phương thực hiện từ PCI.
          - PCI thúc đẩy hợp tác và chia sẻ: 12 năm qua, PCI đã giúp lan toả những kinh nghiệm tốt và bài học cải cách thành công tại các địa phương ở Việt Nam: Sáng kiến xây dựng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện và/hoặc cấp sở ngành (DCI) đo lường hiệu quả công tác của các huyện thành phố thị xã và sở ngành đã lan rộng từ Kiên Giang, Lào Cai tới Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên và nhiều tỉnh thành phố khác. Ngoài ra, sáng kiến cải cách PCI “made-in-Vietnam” này cũng đã được xuất khẩu và bước đầu triển khai tốt ở 13 nước trên thế giới trong đó có cả những nền kinh tế đang cải cách mạnh mẽ như Ấn Độ, Trung Quốc, Malai-si-a, Indonesia, Sri-lanka, Bangladesh, Salvador, Kosovo, Myanmar, Lào... và danh sách này đang dài thêm.
          2. Phương pháp tính PCI
          Cho tới lần cập nhật phương pháp luận gần nhất vào năm 2013, chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) môi 12 trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) chi phí không chính thức thấp; 5) thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.Cụ thể gồm:
          (1) Chi phí gia nhập thị trường: Đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau, chỉ số thành phần này đo lường thời gian một doanh nghiệp cần để đăng ký doanh nghiệp, xin cấp đất (số ngày) và nhận được mọi loại giấy phép, hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để tiến hành hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, chỉ số cũng đánh giá hiệu quả của bộ phận Một cửa khi thực hiện đăng ký doanh nghiệp thông qua các tiêu chí như cán bộ tại bộ phận Một cửa thân thiện, nhiệt tình, am hiểu chuyên môn, hướng dẫn thủ tục tại bộ phận Một cửa rõ ràng.
          (2)Chỉ số Tiếp cận đất đai và mức độ ổn định trong sử dụng đất: Chỉ số này đánh giá hai góc độ: (i) ghi nhận những khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp, những khó khăn này không những làm doanh nghiệp mất đi cơ hội đầu tư mà còn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có vật thế chấp tại ngân hàng. Theo đó, chỉ số này được tính toán căn cứ vào tình trạng doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, có đủ mặt bằng để đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng hay không, mức giá thực chất tại các địa phương trong mối tương quan giữa nhu cầu và quỹ đất của địa phương và chất lượng thực hiện thủ tục hành chính về đất đai qua tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính và không gặp bất cứ khó khăn nào (ii) Đánh giá các chính sách liên quan đến đất đai có tạo ra “sự ổn định trong sử dụng đất”, liệu doanh nghiệp có cảm thấy an tâm đối với các quyền sử dụng đất dài hạn của mình không? Khi doanh nghiệp yên tâm về tính ổn định của mặt bằng sản xuất, họ sẽ tự tin đầu tư lâu dài trên mặt bằng đó.Theo đó, chỉ số này đánh giá rủi ro bị thu hồi mặt bằng và mức giá đền bù thỏa đáng trong trường hợp bị thu hồi.
          (3)Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phân biệt môi trường kinh doanh nào tạo thuận lợi cho sự phát triển khu vực tư nhân. Đánh giá tính minh bạch phải hội đủ năm thuộc tính sau: tính sẵn có của thông tin (hay khả năng doanh nghiệp tiếp cận thông tin), tính công bằng, tính ổn định, tính tiên liệu của việc triển khai thực hiện các chính sách quy định và tính cởi mở qua đánh giá mức độ phổ biến của trang thông tin của tỉnh. Theo đó, các chỉ tiêu sử dụng trong chỉ số này là: Khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý dễ hay khó; doanh nghiệp có cần phải nhờ tới mối quan hệ để tiếp cận tài liệu hay không; trong quá trình kinh doanh có phải thương lượng với cán bộ thuế hay không; vai trò của hiệp hội trong phản biện và tư vấn chính sách và độ mở của các cổng thông tin điện tử.
          (4) Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước: đo lường thời gian mà các doanh nghiệp phải bỏ ra khi thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như mức độ thường xuyên và thời gian mà doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, ví dụ tỉ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% quỹ thời gian trong năm tìm hiểu và thực hiện các thủ tục quy định nhà nước; số cuộc thanh kiểm tra hàng năm, thời gian trung bình của thanh, kiểm tra thuế; và các tiêu chí đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ công chức nói chung.
          (5) Chỉ số Chi phí không chính thức: đo lường mức chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả cũng như những trở ngại do những chi phí này gây nên đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc trả những chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi không và liệu các cán bộ nhà nước có sử dụng quy định pháp luật để trục lợi không.
          (6) Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng: Chỉ số thành phần này đánh giá môi trường cạnh tranh đối với các doanh nghiệp dân doanh trước những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) và các doanh nghiệp thân quen với cán bộ chính quyền cấp tỉnh, thể hiện dưới dạng các đặc quyền, ưu đãi cụ thể khi tiếp cận các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tín dụng… và được ưu tiên đối xử trong thực hiện các thủ tục hành chính và chính sách.
          (7) Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh: chỉ số này đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của chính quyền tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương, trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, cũng như tính hiệu lực thực thi của các cấp sở, ngành và huyện thị với các chủ trương của lãnh đạo tỉnh.
          (8) Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Chỉ số thành phần này đánh giá các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp – những dịch vụ có vai trò then chốt để doanh nghiệp thành công trong hoạt động kinh doanh. Việc đánh giá các dịch vụ này trên 3 phương diện chính: mức độ phổ biến của dịch vụ (doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ tại tỉnh không), mức độ tham gia của các đơn vị cung cấp tư nhân và chất lượng dịch vụ (qua tiêu chí dự kiến có sử dụng lại dịch vụ trong thời gian tới). 6 nhóm dịch vụ bao gồm: Dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường; Dịch vụ tư vấn về pháp luật; Dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh; Dịch vụ xúc tiến thương mại; Dịch vụ liên quan đến công nghệ; Đào tạo về kế toán và tài chính và Đào tạo về quản trị kinh doanh.
          (9) Chỉ số Đào tạo lao động: Chỉ số thành phần này phản ánh mức độ và chất lượng hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng do tỉnh triển khai nhằm hỗ trợ cho các ngành sản xuất kinh doanh tại địa phương, cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động tại địa phương.
          (10) Chỉ số Thiết chế pháp lý: Chỉ số thành phần này phản ánh lòng tin của doanh nghiệp dân doanh đối với các thiết chế pháp lý của địa phương, việc doanh nghiệp có xem các thiết chế tại địa phương này như là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi mà doanh nghiệp có thể khiếu nại những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương hay không.
          3. Các cơ quan THADS cần tích cực góp phần cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trên địa bàn địa phương
          Năm 2017, các địa phương có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI được xếp hạng Rất tốt gồm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp; xếp hạng Tốt gồm Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam; xếp hạng Khá gồm TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Định, Tây Ninh, Kiên Giang, Nghệ An, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Phú Thọ, Thanh Hóa; xếp loại trung bình gồm Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Đắc Lắc, An Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Trà Vinh, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Tiền Giang, Nam Định, Bạc Liêu, Gia Lai, Sóc Trăng, Quảng Bình, Yên Bái, Phú Yên, Điện Biên, Hải Dương, Hậu Giang, Cà Mau; xếp hạng Tương đối thấp gồm Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Trị, Hà Giang, Hứng Yên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lai Châu, Kon Tum, Bình Phước, Đắc Nông.
          Năm 2018, cơ quan THADS các địa phương đã tập trung, quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 với nhiều kết quả tích cực. Tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2017 (tăng 5,06% về việc và 13,32% về tiền) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 200.000 tỷ đồng) song các cơ quan THADS đã thi hành xong gần 600 nghìn việc tương ứng với số tiền trên 34.000 tỷ đồng. Công tác xác minh, phân loại án được chú trọng, bảo đảm chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Việc thi hành các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án trọng điểm, các vụ việc liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng được tập trung chỉ đạo giải quyết. Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 tiếp tục được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan THADS tiếp tục được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường.
THADS là khâu cuối cuối của quá trình tố tụng, là quá trình hiện thực hóa bản án, quyết định của Tòa án, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới các cơ quan THADS cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, qua đó nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp trong bảo vệ các quyền sở hữu của của các nhà đầu tư, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương.

PHIẾU KHẢO SÁT DOANH NGHIỆP
(Phần giải quyết tranh chấp)
 
1.   Bạn  có  đồng  ý  với  nhận  định  sau  không:  “Tôi  tin  tưởng  rằng  hệ  thống  toà  án,  thi  hành  án…  của  tỉnh  sẽ  bảo  vệ  hợp  đồng  và  các  quyền   tài  sản  của  tôi  trong  các  tranh  chấp  liên  quan  đến  hoạt  động  kinh  doanh”? 
 Hoàn  toàn  đồng  ý 
 Đồng  ý 
 Không  đồng  ý 
 Hoàn  toàn  không  đồng  ý
2. Theo  bạn,  nhận  định  sau  có  thường  xuyên  đúng  không:  “Trong  tỉnh,  nếu  một  cán  bộ  nhà  nước  làm  trái  với  quy  định  của  pháp  luật   (như  thanh  tra,  kiểm  tra  thái  quá  và  đòi  các  khoản  chi  không  chính  thức…)  tôi  có  thể  phản  ánh  lên  cấp  trên  của  người  đó  để  được  giải   quyết  đúng”? 
 Luôn  luôn 
 Trong  phần  lớn  các  trường  hợp 
 Thỉnh  thoảng 
 Hiếm  khi 
 Không  bao  giờ
3.  Từ  kinh  nghiệm  hoặc  quan  sát  của  mình,  hãy  cho  biết  ý  kiến  của  doanh  nghiệp  bạn  về  các  nhận  định  dưới  đây
Các  nhận  định:
Hoàn  toàn   đồng  ý
Đồng  ý
Không   đồng  ý
Hoàn  toàn   không   đồng  ý
1.  Tòa  án  các  cấp  ở  tỉnh  xét  xử  các  vụ  kiện  kinh  tế  đúng  pháp  luật.
2.  Tòa  án  các  cấp  ở  tỉnh  xét  xử  các  vụ  kiện  kinh  tế  nhanh  chóng.
3.  Cơ  quan  thi  hành  án  các  cấp  ở  tỉnh  thực  hiện  bản  án  kinh  tế  có  hiệu   lực  nhanh  chóng.
4.  Các  cơ  quan  trợ  giúp  pháp  lý  của  tỉnh  giúp  doanh  nghiệp  nhanh  chóng sử  dụng  quy  định  pháp  luật  để  khởi  kiện  khi  có  tranh  chấp
5.  Các  chi  phí  chính  thức  và  không  chính  thức  từ  khi  khởi  kiện  đến  khi   bản  án  được  thi  hành  là  chấp  nhận  được
6.  Phán  quyết  của  tòa  án  là  công  bằng
4.   Giả  sử  doanh  nghiệp  bạn  có  tranh  chấp  với  đối  tác  kinh  doanh, doanh  nghiệp  bạn  có  muốn  sử  dụng  tòa  án  để  giải  quyết  các  tranh  chấp   không? 
 Có (Vui  lòng  chuyển  đến  câu  6)
 Không (Vui  lòng  trả  lời  câu  5) 
 Sử  dụng  trọng  tài  thương  mại  (Vui  lòng  trả  lời  câu  5) 
Đang  cân  nhắc  sử  dụng  tòa  án  nhưng  chưa  quyết  định (Vui  lòng  trả  lời  câu  5)
5. Nếu  không  muốn  sử  dụng  tòa  án  thì  lý  do  là  gì?
  (Vui  lòng  đánh  dấu  3  vào  những  lựa  chọn  phù  hợp,  có  thể  chọn  nhiều  hơn  một  lựa  chọn). 
 Các  phương  thức  giải  quyết  tranh  chấp  khác  phù  hợp  hơn,  ví  dụ  như  trọng  tài  thương  mại 
 Thời  gian  giải  quyết  tranh  chấp  quá  dài 
 Chi  phí  giải  quyết  tranh  chấp  cao 
 Tình  trạng  “chạy  án”  phổ  biến 
 Trình  độ,  năng  lực  của  cán  bộ  tòa  án  chưa  đáp  ứng  được  yêu  cầu 
 Khó  giữ  bí  mật  kinh  doanh
6. Trong  hai  năm  vừa  qua,  doanh  nghiệp  bạn  có  sử  dụng  tòa  án  để  giải  quyết  tranh  chấp  với  khách  hàng,  nhà  cung  cấp,  đối  tác  hay  không?                        Có          Không
                                                          Ths. Nguyễn Xuân Tùng
                                                 Chánh Văn phòng Tổng cục THADS