Giới thiệu các hoạt động nghiên cứu KHPL cho việc xây dựng thể chế ứng phó với cách mạng công nghiệp 4.0

20/11/2018
Để có cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc xây dựng thể chế ứng phó với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nền kinh tế và xã hội, Hàn Quốc đã tổ chức hàng loạt các hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý do Viện Nghiên cứu pháp luật Hàn Quốc (Korea Legislation Research Institute) – cơ quan trực thuộc Phủ Thủ tướng Hàn Quốc chủ trì. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến tháng 10 năm 2018, Hàn Quốc đã tiến hành khoảng 30 nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể theo 6 hướng nghiên cứu chủ yếu như sau[1]:
Thứ nhất, các nghiên cứu nhận diện chung về các khía canh pháp lý của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hướng nghiên cứu này gồm 6 nhiệm vụ:
- Nghiên cứu về chiến lược tăng trưởng mới và việc xây dựng pháp luật điều chỉnh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Analysis of new growth strategies and regulatory legislation in the Era of the Fourth Industrial Revolution) (được triển khai từ ngày 1/1/2017 đến 31/10/2017).
- Tái cấu trúc hệ thống quản trị và điều tiết theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào lý thuyết luật hành chính (Regulation and governance reorganization according to the 4th industrial revolution - an approach with focus on administrative law theory) (được triển khai từ ngày 1/4/2017 đến 30/9/2017).
- Nghiên cứu về cách chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu sử dụng những công nghệ lõi (tập trung vào dữ liệu lớn) của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (A Study on strategies for responding to climate change using core technologies of the 4th industrial revolution, focusing on big data) (được triển khai từ ngày 15/6/2017 đến ngày 15/11/2017).
- Ứng phó lập pháp đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Legislative response to the Fourth Industrial Revolution) (được triển khai từ ngày 16/6/2017 đến ngày 3/10/2017).
- Nghiên cứu về cải thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động của các ngành công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới (A study on improvement of regulatory legislation on new growth industries) (được triển khai từ ngày 1/1/2018 đến 31/10/2018).
- Nghiên cứu chiến lược tạo dựng các ngành công nghiệp mới và đổi mới sáng tạo trong công nghiệp đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Strategy research for the creation of new industries and industrial innovation in response to the Fourth Industrial Revolution) (được triển khai từ ngày 19/4/2018 đến 3/8/2018).
Thứ hai, các nghiên cứu nhận diện các khía canh pháp lý của công nghệ tài chính (Fintech). Hướng nghiên cứu này gồm 4 nhiệm vụ:
- Nghiên cứu pháp luật bảo đảm ổn định tài chính điện tử dựa trên công nghệ mới (Legislation research for new technology-based secure electronic financial stability) (được triển khai từ ngày 1/1/2015 đến 31/10/2015).
- Nghiên cứu về các quy định thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ tài chính (A study on regulations for promotion of fintech industry) (được triển khai từ ngày 3/9/2015 đến 30/11/2015).
- Nghiên cứu về hệ thống quy định quản lý tiền ảo (A legal study on the regulatory system on virtual currency) (được triển khai từ ngày 15/3/2017 đến 3/8/2017).
- Nghiên cứu so sánh về xây dựng hê thống quy định điều tiết hoạt động cấp tín dụng ngang cấp (A comparative legal study for building up the regulatory system of P2P lending) (được triển khai từ ngày 15/5/2017 đến 15/10/2017).
Thứ ba, các nghiên cứu nhận diện các khía canh pháp lý của việc ứng dụng các thiết bị tự hành và các thiết bị bay không người lái. Hướng nghiên cứu này gồm 8 nhiệm vụ:
- Nghiên cứu các khía cạnh pháp lý của việc sử dụng thiết bị bay không người lái (The legislative analysis for utilization of drone) (được triển khai từ ngày 1/11/2015 đến 31/12/2015).
- Nghiên cứu các khía cạnh pháp lý về giới hạn hoạt động của các loại thiết bị vận tải (A legislative analysis on limiting vehicle operation) (được triển khai trong năm 2015).
- Nghiên cứu so sánh về các công nghệ không người lái – tập trung vào xe tự hành và thiết bị bay không người lái (A comparative study on post-human technologies - focused on drone and autonomous driving vehicle) (được triển khai từ ngày 1/3/2016 đến ngày 30/9/2016) (các quốc gia được chọn để nghiên cứu so sánh gồm: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Anh, Canada và Pháp).
- Nghiên cứu về các quy định an toàn đường bộ phục vụ việc thử nghiệm xe thông minh (A study on road related system for driving test of smart vehicles) (được triển khai từ ngày 14/3/2016 đến ngày 8/3/2017).
- Nghiên cứu cải tiến các quy định trong Luật quản lý phương tiện vận tải nhằm triển khai thiết bị vận tải tự hành (không người lái) (A study on improvement of Motor Vehicle Management Act for deployment of autonomous vehicle) (được triển khai từ ngày 16/8/2017 đến ngày 1/11/2017).
- Nghiên cứu lập pháp về thiết bị vận tải tự hành trước yêu cầu cách mạng điều tiết ngành công nghiệp mới (A legislative study on autonomous driving vehicle for preemptive new industry regulatory revolution) (được triển khai từ ngày 1/12/2017 đến ngày 15/3/2018).
- Báo cáo về những thảo luận gần đây và hàm ý chính sách đối với thiết bị vận tải tự hành (A recent discussions and implications for autonomous vehicles) (công bố ngày 31/7/2018).
- Nghiên cứu xu hướng và triển vọng các khía cạnh pháp lý trong bối cảnh toàn cầu (Trends and prospects of legal issues in a global context) (được triển khai từ ngày 20/6/2018 đến ngày 20/10/2018).
Thứ tư, các nghiên cứu nhận diện các khía canh pháp lý của việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo. Hướng nghiên cứu này gồm 3 nhiệm vụ:
- Nghiên cứu các thảo luận quốc tế và chính sách pháp lý về công nghệ trí thông minh nhân tạo (A study on international discussion and legal policy on artificial intelligence technology) (được triển khai từ ngày 1/5/2016 đến ngày 31/10/2016);
- Nghiên cứu về việc xác định tác giả trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo (A study on the reestablishment of the definition of author in the age of artificial intelligence) (được triển khai từ ngày 1/8/2017 đến ngày 15/11/2017).
- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý phát sinh trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo (A study on the legal issues of the artificial intelligence era) (được triển khai từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/10/2018).
Thứ năm, các nghiên cứu nhận diện các khía canh pháp lý của việc ứng dụng các công nghệ thông tin truyền thông trong điều kiện mới. Hướng nghiên cứu này gồm 6 nhiệm vụ:
- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý của công nghệ thông tin và truyền thông cùng các hàm ý chính sách trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (A study on legal issues of ICT and its policy implications in the era of the fourth industrial revolution) (được triển khai từ ngày 1/6/2016 đến ngày 3/11/2016);
- Nghiên cứu về cải thiện các quy định quản lý việc sử dụng các thông tin về địa điểm cá nhân trong cứu hộ khẩn cấp (A study on improvement of regulation concerned with use of personal location information for emergency relief) (được triển khai từ ngày 2/5/2016 đến ngày 31/12/2016);
- Nghiên cứu tình huống về quy định điều tiết lĩnh vực hội tụ các công nghệ thông tin và truyền thông (Regulatory case study of ICT convergence field) (được triển khai từ ngày 16/6/2017 đến ngày 2/9/2017);
- Nghiên cứu về kế hoạch cải thiện hệ thống các quy định điều tiết liên quan tới việc hội tụ công nghệ thông tin và truyền thông (A study on legislative plan for improving regulatory system relating to ICT convergence) (được triển khai từ ngày 1/4/2017 đến ngày 30/9/2017).
- Nghiên cứu về kế hoạch xây dựng pháp luật phục vụ việc quản lý khoa học dựa trên công nghệ dữ liệu lớn (A study on legislative plan for implementation of science administration based on big data) (được triển khai từ ngày 2/1/2017 đến ngày 31/10/2017);
- Nghiên cứu về cải thiện đạo luật về làn sóng phát thanh, truyền hình trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (A study on the improvement of the Radio Law System for the 4th industrial revolution) (được triển khai từ ngày 1/4/2018 đến ngày 3/12/2018);
Thứ sáu, các nghiên cứu nhận diện các khía canh pháp lý của việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và thuật toán (algorithm). Hướng nghiên cứu này gồm 4 nhiệm vụ:
- Các vấn đề lập pháp để triển khai sổ cái phân tán sử dụng công nghệ chuỗi khối (Legislative issues for the introduction of a blockchain distributed ledger) (được công bố vào ngày 30/9/2016).
- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý trong việc bảo đảm tính trung lập về thuật toán (A legislative study for algorithmic neutrality) (được triển khai từ ngày 1/6/2017 đến ngày 3/8/2017).
- Nghiên cứu các vấn đề pháp lý về hợp đồng thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ chuỗi khối (A legal study on the smart contract based on blockchain) (được triển khai từ ngày 15/3/2017 đến ngày 3/8/2017).
- Xu hướng và triển vọng đối với các vấn đề pháp lý trong kỷ nguyên toàn cầu, tập trung và các vấn đề bảo đảm tính trung lập của các hệ thống kết nối (Trends and prospects of legal issues in a global context - focused on the issue of network neutrality) (được triển khai từ ngày 1/4/2018 đến ngày 15/7/2018).
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu pháp luật Hàn Quốc còn triển khai 1 nghiên cứu về việc cải thiện các quy định để mở rộng việc áp dụng mô hình thành phố thông minh (A study on system improvement for expansion of the smart cities) (được triển khai từ ngày 18/5/2018 đến ngày 25/9/2018).
Như vậy, có thể thấy, Hàn Quốc đã có sự đầu tư khá toàn diện để nhận diện các khía cạnh pháp lý của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như có những đánh giá về những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với hệ thống pháp luật Hàn Quốc. Đây là những thông tin rất hữu ích mà các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với hệ thống pháp luật của mình. Sơ bộ bước đầu có thể đánh giá rằng, những lĩnh vực pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chịu tác động trực tiếp của việc ứng dụng các công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm: lĩnh vực sở hữu tài sản (khi các khía cạnh pháp lý của sở hữu, chi phối dữ liệu cần được minh định tốt hơn), lĩnh vực sở hữu trí tuệ (khi các tác phẩm sáng tạo có sử dụng phần mềm về trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn), lĩnh vực tạo lập, chia sẻ, kết nối và bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, lĩnh vực tài chính-tiền tệ (khi ứng dụng các công nghệ tài chính - fintech), lĩnh vực quản trị các chính quyền ở đô thị (khi ý tưởng về đô thị/thành phố thông minh được triển khai rộng rãi), lĩnh vực an toàn giao thông, an toàn hàng không (khi các phương tiện giao thông không người lái và thiết bị bay không người lái được thử nghiệm và đưa vào vận hành) v.v.
Việc nghiên cứu bài bản tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với hệ thống pháp luật nói chung, đối với công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật nói riêng cũng như đối với công tác tư pháp, pháp luật, công tác pháp chế của từng bộ, ngành, địa phương là hướng nghiên cứu cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
 
[1] KLRI’s research on legislative response to the fourth industrial revolution, Oct. 25th, 2018.