Nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện được đánh giá là còn yếu và thiếu. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong cuộc cách mạng này.
Tác động trực tiếp đến cơ cấu và thị trường lao động
Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học; trung tâm và khâu đột phá là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối Internet (IoT), người máy (robot), công nghệ nano, công nghệ sinh học… đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tạo ra những cơ hội rất lớn nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho mỗi quốc gia.
Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.
Do đó, ngoài những tác động đa chiều, cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động. Các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế sức người, nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao tăng lên trong khi nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm. Chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.
Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với thị trường lao động. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của một số quốc gia. Các quốc gia đang phát triển sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và gia tăng thất nghiệp. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra dự báo, sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới. Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi, thị trường lao động tại Anh cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao.
Thậm chí, theo dự báo của các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 không những sẽ đe dọa việc làm của lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng, nhiệm vụ quan trọng
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực. Bởi, từ trước tới nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và các ngành sử dụng lao động giá rẻ. Trong khi đó, dù đã có những cải thiện đáng kể, song nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam mới chỉ đạt trên 50%, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có chứng chỉ/văn bằng đào tạo nghề. Mặt khác, trong khi các nhà tuyển dụng đang rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao thì vẫn có một bộ phận có trình độ cao đẳng, đại học trở lên bị thất nghiệp. Cụ thể, tính đến quý I-2017, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là gần 3%; trình độ cao đẳng là 6%... Nguyên nhân, theo phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động, là do người học dù đã tốt nghiệp nhưng khi được tuyển dụng vào làm việc đều phải đào tạo lại vì trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, năng lực xã hội còn hạn chế, chưa theo kịp xu thế của thời đại.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang thiếu hụt các nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao, đội ngũ quản lý, nhà kinh doanh giỏi, công nhân lành nghề trong mọi lĩnh vực. Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này bắt nguồn trước hết từ vấn đề đào tạo. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, còn nhiều cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường có đội ngũ giảng viên mỏng và yếu; cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo; phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, và đương nhiên sẽ càng không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là vấn đề then chốt để xây dựng sự phát triển toàn diện trong các ngành nghề kinh tế của Việt Nam.
Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đón đầu xu hướng, đáp ứng đủ nguồn nhân lực cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, cần phải có sự thay đổi trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề… Cụ thể, các trường quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, cần sớm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng với những thay đổi từ thực tiễn tập, trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp hay đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung. Đi đôi với đó là đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo nhu cầu thị trường, bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm…
Bên cạnh chú trọng công tác đào tạo, cần tích cực đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều phương diện, như: giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, chính sách phát triển thị trường lao động, các điều kiện nhà ở, sinh sống, định cư... Trong đó, trước hết cần coi trọng việc tạo lập các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân về vị trí, tầm quan trọng, mục tiêu, nội dung và phương hướng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Từ đó xác định trách nhiệm chung, trách nhiệm của mỗi người trong công tác phát hiện, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao./.
Minh Duyên