Trong một thời gian ngắn nữa, soạn luật sẽ không còn là đặc quyền của các đại biểu QH, cũng như một số cơ quan khác. Thông tin này chắc chắn gây bất ngờ với nhiều người, nhưng trên thực tế nó đang chuẩn bị được áp dụng vào cuộc sống. VTC News đã có cuộc trao đổi với TS Dương Thanh Mai, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo Nghị định về hình thức, trình tự, thủ tục tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Người dân có thêm kênh để “tiếp thị sản phẩm”
-Trên thực tế, người dân với tư cách là cử tri thì có thể thông qua đại biểu QH, hoặc qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đề nghị trình dự án luật của mình, vậy có cần thiết ra thêm nghị định này không?
-Nghị định này chỉ điều chỉnh việc đề xuất sáng kiến hoặc dự thảo của người dân tới Chính phủ - với tư cách là một chủ thể của quyền sáng kiến lập pháp. Từ trước tới nay, người dân hay tổ chức muốn đề xuất sáng kiến, hay dự thảo luật thì chưa có một cơ chế nào quy định việc các cơ quan Chính phủ phải tiếp nhận và xử lý những sáng kiến đó.
-Vậy người dân muốn đề xuất với Chính phủ sáng kiến lập pháp, hoặc đưa ra hẳn dự án luật, dự thảo pháp lệnh…do mình tự soạn thảo sẽ phải qua những thủ tục nào?
-Có hai “kênh”, một là có thể trực tiếp đến Bộ quản lý ngành để đề xuất với họ. Ví dụ, trước đây, đạo diễn Lê Dân tự mình viết ra dự thảo Luật Điện ảnh thì đạo diễn có thể mang thẳng đến Bộ Văn hoá và đề nghị Bộ trình giúp tôi cái dự thảo luật này ra Quốc hội, vì Bộ Văn hoá là chủ thể có quyền sáng kiến lập pháp.
-Trước đây, khi soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật, người dân cũng được lấy ý kiến đóng góp. Vậy bản chất của việc lấy ý kiến trong trường hợp đó với việc để người dân chủ động đề xuất ý kiến khác nhau như thế nào, thưa bà?
-Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì người dân chủ yếu là đối tượng được lấy ý kiến cho nên họ luôn ở vào thế thụ động, khi cơ quan Nhà nước thấy cần thì hỏi họ. Họ góp ý và phía đề nghị có tiếp thu hay không cũng phụ thuộc ở cơ quan Nhà nước, không có gì ràng buộc cả.
Bây giờ quan điểm xuất phát từ quyền cơ bản của công dân là người dân có quyền chủ động tham gia. Tức là kể cả Nhà nước không hỏi ý kiến, nhưng anh phát hiện ra vấn đề và chuẩn bị được dự thảo thì anh có quyền đem đến cơ quan Nhà nước và yêu cầu họ phải trả lời.
Không ai được “im lặng” khi nhận đề xuất của dân
-Có một thực tế là ngay cả các dự thảo luật do cơ quan quản lý nhà nước soạn thảo, có nhiều ý kiến đóng góp hay, được nhiều người đồng tình nhưng vẫn không được tiếp thu. Liệu các dự thảo luật do cá nhân đề xuất lên có bị đối xử với một “thái độ” như vậy?
-Nếu cứ đem dự thảo ra lấy ý kiến ở giai đoạn quá muộn, tức là lúc dự thảo gần như đã hoàn chỉnh, cơ quan soạn thảo đã định hình về chính sách, ý chí của họ rồi thì rất khó để người ta tiếp thu những cái mới để sửa đổi.Vì vậy, tinh thần của Nghị định này là đưa vấn đề ra càng sớm càng tốt, ngay từ giai đoạn đầu của quy trình soạn thảo thì sẽ dễ tiếp nhận hơn.
Cơ quan quản lý ngành, Bộ Tư pháp khi tiếp nhận các đề xuất phải trả lời rõ ràng là được hay không cho nên sẽ không có chuyện ý kiến bị rơi vào im lặng.
-Nếu Bộ quản lý “lờ”đi đề xuất hợp lý của dân thì sao?
-Trong trường hợp đó, còn một “kênh” nữa là Bộ Tư pháp. Quy định mở ở cả hai “kênh” của Chính phủ là các Bộ quản lý ngành và Bộ Tư pháp là để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tức là nếu người có đề xuất bị cơ quan quản lý “lờ” đi thì có thể đưa sang Bộ Tư pháp dể Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ giúp.
-Cụ thể, dự thảo luật hoặc đề xuất lập pháp của cá nhân sẽ được tiếp nhận và xử lý như thế nào?
-Quyền của người dân sẽ song song với nghĩa vụ của Nhà nước. Nhà nước phải công khai quá trình lập dự kiến và các dự thảo từ giai đoạn sớm. Công khai ở đâu thì tới khi tiếp thu xử lý cũng phải công khai việc tiếp thu của anh ở chính địa chỉ đó. Ví dụ, nếu người dân gửi ý kiến đến Báo A thì báo sẽ gửi lại cho Ban Soạn thảo, sau này tiếp thu giải trình như thế nào thì cơ quan soạn thảo cũng phải giải trình tại Báo A.
Phải tạo cơ chế để đảm bảo quyền của người dân
-Đại biểu Quốc hội có điều kiện hơn trong việc đề xuất một ý kiến hay thậm chí soạn thảo một dự án luật để đưa ra, nhưng trên thực tế cũng chưa có tiền lệ này. Vậy quy định ngưòi dân có quyền viết dự án luật có thật sự khả thi không, hay quy định này cũng chỉ nặng tính dân chủ hình thức?
-Đúng là người dân bất lợi hơn các đại biểu Quốc hội rất nhiều. Nhưng chính thực tiễn đã cho thấy người dân có quyền nhưng lại không có cơ chế để thực hiện các quyền đó. Nên khó đến mấy Nhà nước cũng phải tạo ra cơ chế cho người ta. Vì nếu không, việc này không bao giờ thành hiện thực.
Xin cảm ơn bà!
Hạnh Lê thực hiện
(Theo VTC News)