Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, nhằm rà soát, đề xuất phương án và góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phục lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; ngày 28 tháng 6 năm 2017, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “rà soát và kiến nghị sửa đổi về điều kiện kinh doanh xăng dầu và khí”.
Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam và đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu và khí. Về phía Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, chủ trì Tọa đàm.
Trong phát biểu khai mạc Tọa đàm Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã khẳng định trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế yêu cầu điều kiện kinh doanh phải cân bằng hợp lý, ít gây hạn chế nhất đối với doanh nghiệp. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu không phân biệt, đối xử doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghị định số 19/2016/NĐ-CP đã đạt được mục tiêu tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế kinh doanh mặt hàng khí trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch, đảm bảo lưu thông mặt hàng khí thông suốt từ đầu nguồn đến khâu bán lẻ gắn liền với các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn về an toàn. Nghị định này đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ đối với từng loại hình thương nhân, qua đó, đảm bảo lựa chọn được thương nhân có tiềm lực, năng lực và định hướng phát triển lâu dài khi tham gia thị trường kinh doanh khí, tránh thiệt hại về kinh tế, ổn định an ninh năng lượng, đảm bảo an toàn, phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 19/2016/NĐ-CP có phát sinh một số tồn tại. Do dó, cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định theo hướng: Bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong hoạt động kinh doanh khí; Có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; Các điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện; Đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước; Rà soát bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới nào trái quy định pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền về điều kiện kinh doanh.
|
|
Nghị định 83/2014/NĐ-CP tiếp tục kế thừa quy định trước đây, đề cao an ninh năng lượng quốc gia và minh bạch về giá. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước thì Nghị định còn một số vấn đề cần nghiên cứu như sửa đổi thời hạn của giấy phép cần có thời hạn, không thể vô thời hạn, các điều kiện kinh doanh liên quan đến hệ thống phân phối cửa hàng, đồng sở hữu kho xăng dầu.
Các văn bản kinh doanh xăng dầu đã dần được hoàn thiện, chặt chẽ hơn, đã xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu, thương nhân sản xuất, phân phối, bán lẻ xăng dầu, có quy hoạch, bảo đảm các điều kiện về chất lượng hàng hóa, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường.
Tọa đàm có rất nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận giữa các Bộ, ngành, hiệp hội, các chuyên gia và doanh nghiệp. Các thành viên tham dự cho rằng Tọa đàm rất thành công, thực sự là một buổi trao đổi chuyên môn sâu, thẳng thắn, hiệu quả, phục vụ cho quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP và bước đầu định hướng xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP./.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế