Dự thảo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Phòng, chống bệnh truyền nhiễm là giải pháp hàng đầu bảo vệ sức khoẻ người dân

23/06/2006
Dự thảo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Phòng, chống bệnh truyền nhiễm là giải pháp hàng đầu bảo vệ sức khoẻ người dân
Chiều 22/6/2006, Ban soạn thảo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã tổ chức hội nghị nhằm giới thiệu và xin ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo luật trên. Đây là một trong những dự luật được đông đảo công luận xã hội quan tâm. Trước hàng loạt các dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến bùng phát mạnh mẽ trong 5 năm qua như dịch SARS, Cúm A (H5N1), AIDS… và mới nhất đây là dịch lở mồm long móng ở gia súc, đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế xã hội nước ta.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Xây dựng pháp luật của Chính phủ đã nêu rõ quan điểm khi soạn thảo Luật này: Luật chú trọng đến quan điểm dự phòng tích cực và chủ động, phòng bệnh đi đôi với hiệu quả điều trị. 

Luật sẽ quy định rõ hoạt động giám sát bệnh và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Theo dự thảo, Luật gồm 8 chương, 62 điều, trong đó những vấn đề sẽ được quan tâm nhiều có lẽ là Chương 2, 3 và 5, liên quan đến vấn đề dự phòng bệnh truyền nhiễm, kiểm soát bệnh qua biên giới và các biện pháp chống dịch. Cũng trong Chương 2, vấn đề giám sát bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh được đề cập khá rõ và chi tiết. Theo ông Phạm Anh Tuấn, những vấn đề trên được đi sâu, bàn nhiều là do tình hình thực tế nảy sinh và luật cần tạo lập những điều kiện pháp lý để quy định chặt chẽ cho hoạt động chống bệnh truyền nhiễm này. Trước đây, pháp luật chỉ căn cứ trên Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, Điều lệ vệ sinh mà chưa đưa ra điều khoản liên quan đến bệnh truyền nhiễm nào phù hợp với thực tế hiện nay. Đơn cử như từ tháng 1/2006, dịch lở mồm long móng bùng phát đầu tiên ở Tiền Giang, sau đó lan rộng đến 34 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên khi xử lý vấn đề này, các văn bản cũ chưa điều chỉnh được các quy định như thẩm quyền công bố dịch, biện pháp khoanh vùng, cách ly, vấn đề sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương…

Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện biện pháp bảo đảm về vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, an toàn thực phẩm, nước và các nguồn nước, các chất thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt, trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong trường học và nhà trẻ, trong việc quản, ướp, chôn, hoả táng, di chuyển thi hài, hài cốt và các biện pháp bảo đảm khác về vệ sinh theo quy định của pháp luật để không làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

2. Mọi người có trách nhiệm thực hiện vệ sinh cá nhân để phòng ngừa bệnh nguy hiểm.

(Điều 13, dự thảo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm)

Theo con số điều tra của Bộ Y tế, ở nước ta, bệnh truyền nhiễm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật. Hàng năm có khoảng 3,5 triệu người mắc và hàng nghìn trường hợp tử vong. Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế,cho rằng: trước hiện tượng bùng phát bệnh truyền nhiễm, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa chặt chẽ, đã dẫn đến để bệnh có nguy cơ xâm nhập nhanh, lan rộng và kéo dài. Trong khi đó môi trường của Việt Nam đang bị đánh giá có mức độ ô nhiễm, chưa kể đến các trang thiết bị y tế lạc hậu, bảo đảm vắc xin chưa theo quy định.

Dự báo được những diễn biến nếu có dịch mới xảy ra

Tại hội nghị, đa phần các đại biểu rất hoan nghênh với các điều khoản mà Ban soạn thảo đưa ra trong dự thảo Luật. Đây là Luật rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống nhân dân. Các đại biểu ghi nhận rằng khi Luật ra đời sẽ là cơ sở pháp lý cho các văn bản dưới luật và các điều khoản trong Luật đã có thể dự báo được những diễn biến nếu có dịch mới xảy ra. Khi có dịch, việc phối hợp giữa Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành, địa phương cũng rất chặt chẽ. Ngoài việc giam sát bệnh truyền nhiễm, người tiếp xúc bệnh truyền nhiễm, Luật cũng đề cập sâu đến việc kiểm soát qua biên giới và an toàn sinh học. Đây chính là việc nên chú trọng để xử lý các bệnh truyền nhiễm không những đối với người mà cả hàng hoá, nông phẩm, gia súc qua cửa khẩu, hạn chế mầm bệnh lây lan. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, Luật chưa đề cập đến những đối tượng làm công tác tư vấn miễn phí cũng như chưa có điều khoản nào nói đến vấn đề quan hệ quốc tế trong việc phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm.

(Theo website Chính phủ)