Chiều 20-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 với tỷ lệ phiếu tán thành 88,39% (434/457)
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua ba điều luật: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 - Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 (khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật); Sửa đổi, bổ sung Điều 19 - Không tố giác tội phạm của BLHS năm 2015 (khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật) và bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (khoản 51 Điều 1 của dự thảo Luật).
Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 - Trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi của BLHS năm 2015 (khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
Một số ý kiến đề nghị giữ khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 vì cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.
UBTVQH nhận thấy, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta được thể hiện trong BLHS năm 1985 và năm 1999 là chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Do yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, BLHS năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên ở độ tuổi này cả trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và phạm tội nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169). Trong lần sửa đổi này, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, cũng như theo đề nghị của nhiều cơ quan, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể liệt kê tại khoản 2 Điều 12 để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Sau nhiều phiên thảo luận, tại Kỳ họp thứ 3, ý kiến của các vị ĐBQH vẫn còn khác nhau. Theo chỉ đạo của UBTVQH, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị ĐBQH về nội dung này. Kết quả cho thấy, có 276/435 ý kiến của các vị ĐBQH tán thành với việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 12. Do đó, tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho sửa đổi khoản 2 Điều 12; đồng thời cũng sửa đổi các điều 91, 93, 94, 95 và 100 cho phù hợp với quy định tại Điều 12, cụ thể như trong dự thảo Luật.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 19 - Không tố giác tội phạm của BLHS năm 2015 (khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật), theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, về nguyên tắc, với tư cách là công dân thì người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm. Nguyên tắc này đã được Hiến pháp ghi nhận “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” (Điều 46 Hiến pháp năm 2013, Điều 79 Hiến pháp năm 1992, Điều 78 Hiến pháp năm 1980) và được thể chế hóa trong các luật về tư pháp từ trước đến nay. Điều 4 BLHS năm 2015 quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm”; Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “… cá nhân có nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm”.
Nhất quán chính sách này, BLHS các năm 1985, 1999 đều quy định về nghĩa vụ tố giác tội phạm của công dân và trách nhiệm hình sự của công dân về hành vi không tố giác tội phạm (Điều 19 BLHS năm 1985, Điều 22 BLHS năm 1999). Trong suốt hơn 30 năm (từ năm 1985 đến năm 2015), chính sách của Nhà nước ta về trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa được xác định như mọi công dân khác và được điều chỉnh chung trong quy định “Người nào” của BLHS năm 1985 và năm 1999.
Năm 2015, cân nhắc đặc thù của hoạt động bào chữa, mối quan hệ giữa người bào chữa với người được bào chữa nên tại BLHS năm 2015, Quốc hội đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn chính sách này theo hướng thu hẹp một phần phạm vi trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với công dân khác trong việc không tố giác tội phạm. Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa. Vấn đề miễn trừ trách nhiệm hình sự của người bào chữa đối với hành vi không tố giác tội phạm của người mà mình bào chữa đã được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng BLHS năm 2015. Kết quả cho thấy, đa số ý kiến nhân dân không đồng ý miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa. Do đó, BLHS năm 2015 đã xác định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng (ở cả 3 giai đoạn: chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện tội phạm và đã thực hiện tội phạm), còn đối với các tội khác được quy định tại Điều 389 thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở 02 giai đoạn chuẩn bị phạm tội và đang thực hiện tội phạm; không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn đã thực hiện tội phạm.
Chính sách này phù hợp với quy định của Luật luật sư, theo đó Luật sư có nghĩa vụ “tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan” (Điều 5); “Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề trừ trường hợp... pháp luật có quy định khác” (Điều 25) và cũng phù hợp với Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam “Luật sư có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, luật sư góp phần bảo vệ công lý và xây dựng nhà nước pháp quyền theo Hiến pháp và pháp luật”(Quy tắc 1).
Tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha... cho thấy: các nước đều quy định trong những trường hợp nhất định luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, cộng đồng, nhằm ngăn chặn hậu quả của tội phạm.
Do đây là vấn đề được nhiều ĐBQH và dư luận xã hội quan tâm nên sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cân nhắc kỹ nhiều mặt, UBTVQH xin Quốc hội cho tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH, của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để chỉnh lý khoản 3 Điều 19 của BLHS 2015 theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm, cụ thể như trong dự thảo Luật.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 235 - Tội gây ô nhiễm môi trường của BLHS năm 2015 (khoản 58 Điều 1 của dự thảo Luật): Có ý kiến đề nghị bổ sung tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” vào khoản 2 và khoản 3 Điều 235 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và kế thừa quy định của BLHS năm 1999.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, kế thừa quy định tại Điều 182 (Tội gây ô nhiễm môi trường) của BLHS năm 1999, Điều 235 được bổ sung tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” vào khoản 2 và tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” vào khoản 3 như trong dự thảo Luật. Đồng thời trong Nghị quyết thi hành, Quốc hội giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất áp dụng quy định này.
Cũng trong chiều 20-6, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Theo đó, các Bộ luật và luật nói trên sẽ có hiệu lực từ 1-1-2018.
P.V