Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL

12/06/2017
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 và Tờ trình dự thảo Quyết định ban hành Đề án. Trong dự thảo này, đáng chú ý đã quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ Tư pháp cho biết, nhờ thực hiện tốt Chương trình, các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã thúc đẩy quá trình đưa Luật PBGDPL vào cuộc sống. Nội dung PBGDPL ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu cuộc sống, với các vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; hình thức PBGDPL được đổi mới với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được quan tâm hơn như khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật; Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn trực tuyến; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; sử dụng mạng xã hội qua ứng dụng facebook, fanpage... Nhờ vậy đã giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác PBGDPL thuận lợi, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo sức lan tỏa lớn đến đông đảo người dân trong xã hội và sự đồng thuận trong xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, công tác PBGDPL nói chung, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL nói riêng đã bộc lộ tồn tại, hạn chế như một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, tổ chức chậm đổi mới trong tổ chức triển khai thực hiện; nội dung PBGDPL chậm được đổi mới, còn dàn trải, chưa sát với đặc điểm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu thông tin về pháp luật của người dân, doanh nghiệp...
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL còn chậm; chưa tận dụng triệt để thành tựu của công nghệ thông tin, kỹ thuật số để kết nối, khai thác, chia sẻ thông tin và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cho công tác PBGDPL trên môi trường mạng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư cho công tác này.
Xây dựng dự thảo quyết định nêu trên, Bộ Tư pháp xác định rõ sẽ khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật kịp thời, nhanh chóng; có thể triển khai trên diện rộng một cách thường xuyên, liên tục.
Bám sát mục tiêu tổng quát, Đề án xác định các nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý như xây dựng, vận hành, khai thác và sử dụng có hiệu quả Cổng thông tin điện tử PBGDPL; bảo đảm liên thông, kết nối, chia sẻ nhanh chóng, cập nhật kịp thời các thông tin về pháp luật, tài liệu PBGDPL với các Cổng thông tin/Trang thông tin, chuyên trang, chuyên mục về PBGDPL;  phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về PBGDPL chuyên ngành đều xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử hoặc xây dựng chuyên mục PBGDPL; đa dạng hóa các hình thức, biện pháp PBGDPL; nâng cao chất lượng hoạt động quản lý công tác này đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các giải pháp được thực hiện được xác định như quán triệt, phổ biến để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với ứng dụng công nghệ thông tin;  đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...
Các giải pháp này được đề xuất trên cơ sở kế thừa thành tựu, kết quả đã đạt được của công tác PBGDPL thời gian qua, đồng thời cụ thể hóa nội dung, tinh thần đổi mới công tác PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này theo Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam