Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế quan trọng hoạt động vì pháp quyền và phát triển

05/01/2017
Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế quan trọng hoạt động vì pháp quyền và phát triển
Cùng với việc gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, vào những tháng cuối cùng của năm 2016, Việt Nam cũng chính thức gia nhập Tổ chức Quốc tế về Luật Phát triển (IDLO). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) Đặng Hoàng Oanh để tìm hiểu rõ hơn về sự kiện được coi là mốc phát triển mới trong hợp tác đa phương về pháp luật và tư pháp. Bà Oanh cho biết:
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hợp tác đa phương, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế trong lĩnh vực pháp luật nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công pháp quốc tế. Trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, Việt Nam mới chỉ là thành viên của 1 tổ chức, đó là Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Do đó, việc Việt Nam gia nhập thêm IDLO, tổ chức quốc tế có thế mạnh trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Luật phát triển là cần thiết và phù hợp với đường lối đối ngoại chủ động tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế theo quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013, các văn bản của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, cụ thể là Nghị quyết số 22-NQ/TW, Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổng thể chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việc gia nhập IDLO sẽ góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp, hỗ trợ đắc lực quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp phục vụ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Việc trở thành thành viên chính thức của IDLO là một bước tiến quan trọng để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc tới năm 2030, đặc biệt là mục tiêu thứ 16 về xây dựng một nền hòa bình, bảo vệ công lý và xây dựng thể chế vững mạnh.
PV: Xin bà giới thiệu đôi nét về IDLO?
Bà Đặng Hoàng Oanh: Được thành lập vào năm 1988, có trụ sở chính tại Rome (Italia), IDLO có mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đang phát triển và các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi trong việc sử dụng pháp luật cho quá trình phát triển, thúc đẩy nhà nước pháp quyền, hoàn thiện pháp luật và hệ thống tư pháp phục vụ cho quá trình phát triển bền vững, nâng cao năng lực đàm phán trong lĩnh vực hợp tác phát triển, đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế và các giao dịch kinh doanh quốc tế khác. Ngoài ra, các hình thức hợp tác với IDLO rất đa dạng, phong phú như trao đổi chuyên gia giữa các nước thành viên của IDLO và tổ chức quốc tế khác; tiến hành các nghiên cứu chung giữa chuyên gia quốc tế và chuyên gia nước thành viên; hỗ trợ kỹ thuật cho các hội thảo, các khóa đào tạo, tập huấn pháp luật ngắn và dài hạn; hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế (chuyên gia tư vấn, tài liệu, sách báo nước ngoài, cung cấp tài chính…) cho các hoạt động xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực thiết chế thực thi pháp luật của các nước thành viên…
PV: Được biết, IDLO là tổ chức quốc tế trẻ so với các tổ chức quốc tế về pháp luật khác. Vậy, đâu là cơ sở để chúng ta gia nhập IDLO mà không phải là các tổ chức khác, thưa bà?
Bà Đặng Hoàng Oanh: Mặc dù là tổ chức quốc tế liên chính phủ được ra đời sau một số thiết chế pháp lý quốc tế khác nhưng IDLO đã thu hút được số lượng lớn thành viên là quốc gia và tổ chức quốc tế ở khắp các khu vực trên thế giới. Hiện có tới gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, nhất là Liên minh châu Âu và các tổ chức của Liên Hợp quốc tham gia vào các hoạt động của IDLO với tư cách là quốc gia thành viên và quốc gia thụ hưởng. Đặc biệt IDLO là tổ chức quốc tế có mục đích hoạt động vì pháp quyền và phát triển. Các hoạt động của IDLO tập trung vào việc xây dựng, phát triển, áp dụng nguyên tắc quản trị tốt, pháp quyền tại các nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế chuyển đổi; hỗ trợ  các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi nâng cao năng lực đàm phán trong lĩnh vực hợp tác phát triển, đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, các giao dịch kinh doanh quốc tế khác; thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc hoàn thiện, duy trì hệ thống luật pháp và tư pháp của các nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế chuyển đổi… Với những đóng góp trong lĩnh vực luật phát triển, năm 2001, IDLO được công nhận là quan sát viên thường trực của Liên Hợp quốc.
PV: Bà có thể cho biết những đánh giá bước đầu về lợi ích có được khi Việt Nam gia nhập IDLO?
Bà Đặng Hoàng Oanh: Đối với cộng đồng quốc tế, việc gia nhập IDLO là một trong những hành động cụ thể thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tích cực chủ động hội nhập quốc tế và thúc đẩy hợp tác đa phương. Mặt khác, định hướng hoạt động của IDLO trong những năm gần đây luôn gắn liền với các mục tiêu phát triển của Liên Hợp quốc, nhất là mục tiêu thứ 16 về phát triển bền vững (SDG) được Liên Hợp quốc thông qua hồi tháng 9/2015. Do đó, việc gia nhập IDLO thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
IDLO là tổ chức quốc tế đơn thuần về chuyên môn, trung lập, không nhạy cảm về chính trị. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiệp định thành lập IDLO, IDLO không chịu chi phối bởi các quan điểm chính trị trong hoạt động, quản lý và các vấn đề nhân sự của mình. Do đó, nếu Việt Nam trở thành thành viên của IDLO và nhận hỗ trợ của IDLO, Việt Nam sẽ không chịu sự chi phối và tác động bởi các quan điểm về chính trị của tổ chức này.
Một trong những điểm thuận lợi về tài chính cho Việt Nam khi gia nhập  IDLO so với các thiết chế đa phương khác là chúng ta không phải đóng góp ngân sách cho hoạt động của tổ chức (niên liễm). Các hoạt động của IDLO được thực hiện dựa trên cơ sở các nguồn tài trợ khác nhau do tổ chức này vận động được. IDLO là tổ chức quốc tế năng động và thu hút được nhiều sự đóng góp tài chính cho hoạt động của mình từ các quốc gia lớn như Italia, Thụy Điển, Australia, Hoa Kỳ, các tổ chức của Liên Hợp quốc (UNICEF, UNDP), Liên minh châu Âu... Bên cạnh đó, trở thành thành viên của IDLO, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với các nước thành viên của IDLO cũng như các nước mà IDLO đang có hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trên các diễn đàn quốc tế cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam để có thêm cơ hội hoàn thiện thể chế, pháp luật của quốc gia nhằm phát triển đất nước.
PV: Xin cảm ơn bà!
                                                                            Hoàng Thư (thực hiện)