Sáng 26/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, với 93,52% đại biểu tán thành.
Theo Nghị quyết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, 18 bộ, gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Bốn cơ quan ngang bộ, gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, chiều 25/7, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, đề xuất phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với mục tiêu, yêu cầu là xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng vai trò quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới về cơ bản là phù hợp, Chính phủ đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và các luật liên quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ ổn định như khóa XIII gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ.
Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ đã được thực hiện ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, đúng với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tế của nước ta trong thời gian qua.
Về phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ mới, Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Việc thực hiện theo phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cũng trong sáng 26/7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đọc Tờ trình Quốc hội xem xét, bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.
Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử và bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Thu Hằng