Cảm xúc Trường Sa

09/06/2016
Được tham gia đoàn công tác số 14 của Ban Tuyên giáo và các cơ quan Trung ương đi thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa từ ngày 25/5 đến ngày 05/6/2016 có thể nói là chuyến công tác vô cùng đặc biệt đối với cá nhân tôi và cũng là một niềm vinh dự lớn đối với Nhà xuất bản Tư pháp khi đây là lần thứ hai Nhà xuất bản Tư pháp có cán bộ đi thăm Trường Sa, một dấu ấn cũng là một vinh dự mà không nhiều đơn vị trong Ngành có được tính đến thời điểm hiện tại.
Trải qua hải trình 10 ngày trên biển với 11 điểm dừng chân bao gồm 10 đảo và 01 nhà dàn (DK1/15) đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Con tầu Trường Sa mang số hiệu 571 dời cảng Cát Lái của Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/5/2016 sau hai đêm, một ngày đã đưa chúng tôi vượt qua hàng trăm hải lý để đến với điểm dừng chân đầu tiên đó là đảo Cô Lin thuộc cụm Sinh Tồn của Quần đảo Trường sa, điểm đảo nổi tiếng gắn liền với cuộc chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc ngày 14/3/1988 của các anh hùng liệt sỹ thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam. Trước khi lên thăm đảo, cả đoàn công tác đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ chủ quyển trên vùng biển của tổ quốc. Sau lễ tưởng niệm, đoàn đã xuống xuồng để lên đảo. Tại đây, đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên và giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sỹ trên đảo. Chúng tôi dâng trào cảm xúc nắm tay nhau hát vang những bài hát về biển đảo quê hương, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Hơn hai tiếng đồng hồ dường như trôi đi quá nhanh để chúng tôi phải bịn rịn chia tay nhau để tiếp tục cuộc hải trình đến với đảo Sinh Tồn, giờ phút chia tay ấy tôi cảm nhận được rằng nơi khóe mắt ai cũng cay xè và rớm lệ!
Con tầu 571 rời đảo Cô Lin đưa chúng tôi đến với đảo Sinh Tồn. Đảo này chỉ cách đảo Cô Lin khoảng 9 hải lý (17km). Trong mênh mông của biển trời hình ảnh một hòn đảo xinh đẹp dần hiện lên trước mắt tôi. Những hàng cây xanh mướt, nhưng công trình dân sinh và cột mốc chủ quyền với quốc kỳ đang bay phấp phới trong gió ở ngay trước mắt, tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp thơ mộng của hòn đảo này. Tôi muốn dảo bước hơn để được xuống xuồng vào đảo với mong muốn chứng kiến, được “chạm”, được “sờ” vào những ngọn cây, tảng đá, rạn san hô trên hòn đảo xinh đẹp này. Bước chân lên đảo, cả đoàn tản bộ đi dọc đảo để vào khu trung tâm. Mặc dù trời khá nắng nhưng những cơn gió biển cùng với những háo hức được thăm đảo đã làm chúng tôi quên đi cái nắng 34, 35 độ trên biển. Vào trung tâm đảo, đoàn tập trung trước sở chỉ huy để chuẩn bị làm lễ chào cờ, tiếng hô của người sỹ quan chỉ huy vang lên, tất cả cùng đứng nghiêm, hát vang quốc ca và chào cờ. Tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần hát quốc ca và chào cờ tổ quốc, nhưng lần này một cảm giác hết sức đặc biệt tràn về trong tôi, một cảm giác tự hào, thiêng liêng hơn bao giờ hết, bài hát quốc ca hòa cùng tiếng sóng biển như vang hơn và bay xa hơn vọng về tới đất liền.
Kết thúc phần nghi lễ chào cờ, tôi cùng cả đoàn đi thắp hương tại bia tưởng niệm 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh tại quần đảo Trường sa trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, trước phương linh các anh, chúng tôi lần lượt thắp những nén nhang thành kính dâng lên mong hương hồn các anh yên nghỉ và phù hộ độ trì cho tổ quốc, cho non sông, cho các chiến sỹ tiếp tục vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Tiếp nối các hoạt động trên đảo, tôi được vinh dự đại diện cùng một số đồng chí trong đoàn công tác thăm trường học và tặng quà cho các cháu học sinh trên đảo. Trên đảo chỉ có 10 cháu nhỏ, trong đó có cháu mới 5 tháng tuổi. Gặp chúng tôi, những đứa trẻ hồn nhiên xà vào lòng như là người thân, không có một khoảng cách giữa “khách” và những cô, cậu bé phần nhiều được sinh ra và lớn lên trên đảo. Nhìn cô cậu nào da cũng đen sạm vì nắng biển, nhìn chúng nhanh nhẹn như những chú sóc nhỏ chạy nhảy khắp nơi, khỏe khoắn và thật đáng yêu. Tôi có hỏi một cháu bé chừng 4 hay 5 tuổi rằng “Cháu có muốn về đất liền với chú không?” cậu bé trả lời hồn nhiên nhưng làm tôi vô cùng xúc động rằng “Thế đất liền có giống ở đây không chú?”, tôi bảo cháu “Giống nhau cháu ạ, vì đây cũng là tổ quốc mình, đất liền cũng là tổ quốc mình”!
Sau phần thăm hỏi, động viên các các chiến sỹ, các cháu học sinh, các gia đình sinh sống trên biển, cả đoàn tham gia chương trình giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Nội dung buổi giao lưu phong phú bao gồm hát đơn ca, tập thể, múa, xiếc… nhưng có lẽ khi những bài hát tập thể ca ngợi quê hương đất nước vang lên và tất cả chúng tôi đều thành “ca sỹ”, dường như một sức mạnh nào đó như được nhân lên, tôi cảm nhận được sự tự hào trong từng câu hát, hải đảo khi ấy gần đất liền hơn bao giờ hết, tình quân dân thực sự đã là sợi dây liên kết biển đảo với đất liền, đất liên với biển đảo.
Cuối cùng chúng tôi cũng lại phải chia tay đảo để trở lại tầu chuẩn bị cho hải trình tiếp theo. Quả thực khi xuống xuồng về tầu tôi không dám nhìn quay lại đảo vì sợ bắt gặp những ánh mắt ngây thơ của những cậu bé, cô bé đứng trên bờ vẫy tay chào chúng tôi, chỉ đến khi tầu rời cảng gần nửa giờ đồng hồ tôi mới ra boong nhìn về hòn đảo, khi đó đã mờ mờ trong bóng hoàng hôn của biển.
Con tầu tiếp tục đưa chúng tôi đến với đảo Tiên Nữ, khi đến đảo cũng đã là nửa đêm ngày 29/5, tầu phải neo lại ngoài đảo đến sáng ngày 30/5 chúng tôi mới có thể lên thăm đảo. Khác với đảo Sinh Tồn, ở đây chỉ có cán bộ, chiến sỹ sống và làm việc mà không có dân. Tại đây chúng tôi gặp những người chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ, có anh lính vừa kết thúc huấn luyện là được ra đảo ngay. Khi tôi hỏi em ra đây lâu chưa? Có nhớ nhà không? Em bảo là ra được mấy tháng rồi, đến tháng 7 là được về thăm gia đình, em nói lần đầu xa nhà thấy nhớ nhưng ra đây được sự động viên của chỉ huy đảo, đùm bọc của đồng chí nên an tâm công tác bảo vệ biển đảo của tổ quốc.
Rời Tiên Nữ chúng tôi lên tầu để đến với đảo Tốc Tan B, đảo này nằm trên một dải san hô và đá ngầm khá rộng. Lên thăm đảo hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi làm chúng tôi khá bất ngờ đó là cán bộ chiến sỹ ở đây trồng được rất nhiều rau xanh, nuôi được rất nhiều chó, những chú chó mà tôi nói có thể nhiều người không tin nhưng chúng có thể bơi như “vịt”. Vì nằm trên dải san hô khá cạn nên đám thanh niên chúng tôi đua nhau xắn quần lội dọc mép nước để nhặt những vỏ ốc, vỏ sò về tặng bạn bè làm kỷ niệm, những chú cho biết bơi cứ hì hụp lội theo chúng tôi và rất thân thiện như là “người trong nhà”. Sau phần giao lưu, thăm hỏi và kết thúc bởi bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đoàn chúng tôi lại phải chia tay cán bộ chiến sỹ trên đảo để lên đường đi đảo Đá Đông B.
Ngày tiếp theo của hải trình là ngày cuối cùng của tháng 5, theo kế hoạch đoàn chúng tôi sẽ tới thăm đảo Đá Đông B và Trường Sa Đông. Đúng 6 giờ sáng ngày 31/5 chúng tôi xuống xuồng lên đảo Đá Đông B. Trên đảo, cả đoàn tập trung tại hội trường nhỏ để nghe đồng chí chỉ huy đảo báo cáo kết quả công tác năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016. Quả thật tôi không thể hình dung được khối lượng công việc vô cùng lớn mà cán bộ chiến sỹ trên đảo phải đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc thời gian qua. Tôi càng cảm phục ý chí, nghị lực của những người chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam. Ở đây tôi rất may mắn được gặp một chiến sỹ quê Ninh Bình, là đồng hương với tôi. Hỏi chuyện biết em quê ở huyện Yên Khánh lại có vợ làm ngành kiểm sát giống như tôi trước đây, em đã ra đảo lần này là lần thứ 6. Tôi cảm thấy rất tự hào là quê tôi cũng có những chiến sỹ đang góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Đến 13g30 cùng ngày đoàn chúng tôi lên thăm đảo Trường sa Đông. Đảo có diện tích khá rộng với nhiều cây xanh nhưng đáng chú ý nhất là những cây bàng vuông đứng hiên ngang trước gió biển như thách thức những cơn gió biển dữ dội nhất. Điểm đầu tiên tôi ghé đó là cột mốc chủ quyền để chụp ảnh lưu niệm, sau đó theo chỉ dẫn của một chiến sỹ trẻ, tôi thắp hương cho một ngôi mộ nằm ở góc đảo, đây là ngôi mộ của một liệt sỹ tuổi đời còn khá trẻ (anh sinh năm 1988) đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên đảo vào năm 2014.
Theo cảm nhận chung thì Đảo Trường sa Đông được quy hoạch khá quy củ, có Hội trường, khu nhà ở chiến sỹ, có khu vực trồng rau, nuôi gia cầm biệt lập, tôi có cảm giác đảo khá tự chủ trong các nguồn thực phẩm. Cán bộ, chiến sỹ trên đảo phần lớn tuổi đời còn khá trẻ, vì vậy khi mới tiếp xúc với chúng tôi còn khá rụt rè nhưng đến phần giao lưu văn nghệ thì lại hết sức vui vẻ, nhiệt tình và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đang phần giao lưu văn nghệ thì trời đổ mưa, rất nhanh chóng những người lính trẻ kéo bạt che mưa để cho các nghệ sỹ tiếp tục biểu diễn. Tham gia đoàn có cả những nghệ sỹ của Liên đoàn xiếc Việt Nam, chương trình hôm đó có nội dung biểu diễn của nghệ sỹ Hương Liên, do trời mưa, sợ không an toàn nên mọi người khuyên cô không nên biểu diễn, nhưng trước các chiến sỹ cô đã quyết tâm biểu diễn tiết mục rất khó dưới trời mưa. Thú thật khi cô kết thúc thành công phần biểu diễn chúng tôi mới cảm thấy an tâm và thờ phào nhẹ nhõm.
Chúng tôi lại chia tay với hòn đảo tươi đẹp này và các chiến sỹ thân yêu của Trường sa Đông để đến với đảo đá Tây B. Sáng sớm ngày 01/6/2016 tầu cập đảo đá Tây B, đoàn chia hai nhóm, một tập trung ở phòng họp để nghe báo cáo hoạt động của đảo do đồng chí chỉ huy đảo trình bày, số còn lại phần lớn là các bạn trẻ ở đoàn khối các cơ quan Trung ương chải chiếu dưới sàn nhà để giao lưu văn nghệ cùng các chiến sỹ trên đảo. Vẫn những bài hát quen thuộc như: Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Đời mình là một khúc quân hành, Nơi đảo xa, Người chiến sỹ ấy, Nối vòng tay lớn… chúng tôi cứ hát, hát mãi mà không muốn dừng, tiếng hát hòa cùng sóng biển bay cao, bay xa, những ánh mắt ánh lên niềm kiêu hãnh.
Có một chi tiết cảm động và khá thú vị đó là khi một nghệ sỹ là thành viên trong đoàn đang hát bài “Đừng ví em là biển” thì có một chàng lính trẻ tay cầm một cái vỏ ốc rất đẹp, quần áo thì ướt sũng từ đầu đến chân chạy đến bên cô ca sỹ lý nhí câu “Chị hát hay quá, tặng chị”, mấy cậu thanh niên trong đoàn chọc cậu ấy và hô to “Ôm đi, ôm đi” làm chàng lính trẻ ngượng đỏ mặt chạy biến về phía sau. Tôi liền đi theo hỏi “Em bị ngã hả?”, chàng lính ấy trả lời tôi rằng “Không, em vừa lội biển mò cái vỏ ốc tặng chị ca sỹ làm kỷ niệm”, tôi lặng người và quay mặt đi để dấu ánh mắt mình vì sợ chàng lính ấy nhìn thấy nơi khóe mắt tôi đang rớm lệ.
Khoảng 10 giờ cùng ngày đoàn chúng tôi lên tầu để “hành quân” tới đảo Trường Sa lớn, lúc 16 giờ thì tầu cập đảo, sau khoảng 20 phút neo tầu cả đoàn chúng tôi được tự do lên thăm quan đảo. Chương trình làm việc chính thức chỉ bắt đầu vào sáng ngày 02/6 vì vậy chúng tôi có một buổi tối khá thoải mái thăm và giao lưu với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Sau bữa cơm tối thân mật trên đảo với nhiều món do cán bộ chiến sỹ tăng gia để chiêu đãi chúng tôi. Tôi không thể tin được lại được thưởng thức món khoái khẩu đó là lòng lợn trên đảo. Ăn món thịt lợn do các chiến sỹ trên đảo nuôi hoàn toàn sạch tôi chợt nhớ lại cái cảm giác được thưởng thức món thịt lợn mà bố mẹ tôi nuôi cả năm mới được mấy chục cân để đến tết mới làm thịt, sao nó thơm và ngon đến vậy.
Hôm đoàn đến đảo Trường Sa cũng là một ngày khá đặc biệt, đó là ngày 01/6, ngày Quốc tế thiếu nhi. Trên đảo có 14 em nhỏ, tất cả các cháu đều dưới 6 tuổi, vì vậy chúng tôi muốn tổ chức một buổi liên hoan văn nghệ đặc biệt để chúc mừng các cháu và cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo. Buổi giao lưu văn nghệ bắt đầu lúc 19g30 nhưng khi mới 18g30 đã có rất đông chiến sỹ, các cháu thiếu nhi và bà con trên đảo tập trung tại khu vực diễn ra đêm giao lưu. Buổi giao lưu diễn ra khá hoành tráng và sôi động với sự tham gia của đông đảo chiến sỹ và các cháu thiếu nhi. Lại một lần nữa những bài hát ca ngợi quê hương đất nước lại vang lên giữa biển trời Trường Sa.
Sáng ngày 02/6, tất cả đoàn tập trung tại sảnh chính sở chỉ huy đảo để dự lễ chào cờ và duyệt đội danh dự. Trong không khí trang nghiêm, dưới lá cờ tổ quốc, một chiến sỹ đại diện đọc vang 10 lời thề quân nhân. Tôi cảm nhận được ý chí và quyết tâm sắt đá qua giọng nói và từng lời thề của anh. Kết thúc phần nghi lễ, đồng chí trưởng đoàn cùng toàn thể thành viên tiến hành làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đài tưởng niệm trên đảo, vào nhà tưởng niệm viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắp hương tại chùa Trường Sa lớn sau đó tập trung tại Hội trường để nghe báo cáo kết quả công tác của đồng chí chỉ huy và dự buổi gặp mặt tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo, đến 10 giờ đoàn kết thúc thăm đảo Trường sa để về tầu đi nhà dàn DK1.
Có lẽ hình ảnh đáng nhớ và xúc động nhất đối với tôi khi thăm đảo Trường Sa đó là khi tiễn đoàn rời đảo. Tôi nhớ khi ấy, mặc dù trời nắng nóng khoảng 35, 36 độ nhưng rất đông cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã xếp thành hai hàng dọc cầu tầu để tiễn chúng tôi. Khi tất cả chúng tôi đứng trên mạn tầu nhìn xuống và vẫy tay chào thì tất cả cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đồng thanh hô to “Trường Sa vì cả nước”, chúng tôi không ai bảo ai cũng đồng thanh hô vang “Cả nước vì Trường Sa”, thế rồi ai cũng chảy nước mắt. Hình ảnh ấy cứ hiển hiện trước mắt tôi cho đến tận bây giờ và chắc sẽ không phai nhạt mãi mãi về sau!
Chia tay đảo Trường Sa, chúng tôi lên tầu để đến với đảo Đá Lát. Theo kế hoạch thì đến buổi chiều chúng tôi mới thăm Đá Lát, nhưng do thủy chiều xuống nhanh nên phải thăm đảo ngay trong buổi trưa. Đồng chí trưởng đoàn quán triệt là chậm nhất 13 giờ phải quay lại tầu nếu không sẽ không ra khỏi đảo được vì nước rút xuồng không vào đón được. Mặc dù khi ấy đã khoảng 11 giờ, trời nắng trang trang nhưng tất cả các thành viên đều quyết tâm lên đảo để được gặp các chiến sỹ mà chúng tôi tin chắc rằng họ đã chờ đợi đoàn chúng tôi từ rất sớm. Vì sợ thủy chiều xuống nhanh nên vừa đặt chân lên đảo cả đoàn bắt tay ngay vào việc theo đúng kế hoạch. Buổi gặp mặt kết thúc khoảng 12g45 phút, chúng tôi lại chia tay đảo để đến điểm cuối cùng của hải trình - Nhà dàn DK1.
Trên hải trình tới Nhà dàn DK1, tầu chúng tôi neo trên biển khoảng 12 tiếng. Sáng ngày 03/6, tầu đến Nhà dàn DK1, tại đây lễ thả hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được diễn ra ngay trên boong tầu sau đó cả đoàn luân phiên nhau xuống xuồng để lên nhà dàn. Được lên và thăm quan nhà dàn chúng tôi thực sự cảm nhận được những khó khăn vất vả của cán bộ chiến sỹ nơi đây. Giữa muôn trùng bão biển, trên một cái nhà dựng lên bởi những cây cọc, tôi không hiểu khi mùa bão biển về các anh sẽ chống chọi với bão biển thế nào? Bởi chúng tôi biết có nhiều chiến sỹ ta đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên các nhà dàn. Thế mới biết, nếu không có tình yêu quê hương đất nước, vì biển đảo quê hương thì các anh không thể đứng vững trước muôn trùng khó khăn, vất vả. Tinh thần ấy của các anh tuy không nói ra nhưng nó truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh để góp phần cùng các anh giữ vững biển đảo quê hương.
Cũng rất mừng là trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các nhà dàn trong đó có DK1 đã được cải tạo và nâng cấp theo hướng hiện đại hơn, khang trang hơn. Điều đó góp phần rất quan trọng trong việc động viên cán bộ chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Bản thân các thành viên trong đoàn đều ý thức được rằng phải làm nhiều hơn nữa để xứng đáng với những hy sinh mất mát của các anh. “Tất cả phải vì Trường Sa” bởi vì “Trường Sa đã vì cả nước”!
Tạm biệt Trường Sa thân yêu, con tầu 571 đưa chúng tôi về với đất liền sau chuyến hải trình dài hơn 10 ngày đêm. Khi vừa về đến đất liền tôi cũng như tất cả các thành viên trong đoàn đều vội vàng cập nhật thông tin, đăng ảnh trên mạng xã hội, gửi tin nhắn để chia sẻ cùng bạn bè. Lướt qua những trang facebook, Zalo của các thành viên trong đoàn tôi thấy tràn ngập những hình ảnh, những kỷ niệm, những chia sẻ cảm xúc về chuyến đi và hình như cũng giống như cảm xúc của tôi, với mọi người đây có lẽ cũng là chuyến đi không bao giờ quên.
Ngày mai, chúng tôi lại bắt tay vào công việc thường nhật, nhưng tôi tin rằng sau chuyến công tác này tất cả chúng tôi càng thêm yêu đất nước quê hương mình và vì thế sẽ luôn tự nhủ sẽ phấn đấu học tập, làm việc nhiều hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để xứng đáng với những hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ nơi đảo xa./.
                                                                             Hà nội, tháng 6/2016
                                                            Vũ Hoài Nam - Nhà xuất bản Tư pháp