Một số vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện Luật ban hành VBQPPL năm 2015 ở địa phương

05/01/2015
 

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (gọi tắt là Luật năm 2015) ra đời trên cơ sở hợp nhất giữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Luật năm 2015 có nhiều nội dung mới quan trọng, mang tính đột phá có tác động tích cực trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL của trung ương nói chung và ở địa phương nói riêng. Để thực hiện tốt, đảm bảo đúng quy định theo Luật, trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất về tính quy phạm trong các văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cũng đã đưa ra khái niệm về văn bản QPPL. Tuy nhiên, khái niệm này còn chung chung, chưa cụ thể nên trong quá trình triển khai còn lúng túng, dựa vào khái niệm này để xác định tính quy phạm quy phạm pháp luật là rất khó. Tuy nhiên, Luật năm 2015 tại điều 3 đã đưa ra được khái niệm về quy phạm pháp luật. Theo đó, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện cần chú trọng vào vấn đề trên để xác định tính quy phạm trong văn bản.

Thứ hai vấn đề quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp

Luật quy định thành một điều riêng (điều 14) về những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Theo đó, ngoài việc quy định cấm ban hành văn bản QPL trái với Hiến pháp, trái với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật, ban hành văn bản QPPL không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục thì Luật nghiêm cấm quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp, trừ trường hợp được giao trong luật. Như vậy, kể từ ngày Luật có hiệu lực, chỉ trong trường hợp Luật giao thì HĐND, UBND các cấp mới được quy định thủ tục hành chính.

Thứ ba là về hình thức trong văn bản quy phạm pháp luật do UBND các cấp ban hành

Tại điều khoản 2 điều 1 quy định Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 quy định “ Văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân được ban hành dưới hình thức quyết định, Chỉ thị”. Tuy nhiên, đến Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, tại điều 4 về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì không có Chỉ thị của UBND các cấp. Như vậy, theo quy định mới này, Chỉ thị do UBND các cấp ban hành không được coi là văn bản QPPL.

Thứ tư là về thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình.

Đây là một nhiệm vụ mới mà các sở, ban, ngành phải chuyển đến Sở Tư pháp thực hiện trong quy trình xây dựng chính sách của Nghị quyết HĐND tỉnh. Theo đó, tại điều 115 Luật năm 2015 quy định Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết. Thời hạn thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tư pháp có thể đưa ra ý kiến về đề nghị xây dựng nghị quyết đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định trong Báo cáo thẩm định.

Theo quy định thì Luật năm 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao để nắm bắt các quy định của Luật nói chung và đặc biệt là những vấn đề nêu trên nhằm tránh các sai sót trong quá trình tham mưu thực hiện./.

Trần Thị Hải Giang - Sở Tư pháp Hà Tĩnh