Nguy cơ gia tăng khủng bố qua mạng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, Chương trình 585 trong giai đoạn 2010 – 2014 với nhiều hoạt động được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả đã góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN); tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật giúp DN kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung dự án của Chương trình 585 giai đoạn 2010 – 2014 để thực hiện giai đoạn 2015 – 2020.
Về chủ đề Hội nghị, ông Tuyến chia sẻ: Trong thời đại ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) đang phát triển nhanh, mạnh và trở thành mục tiêu quan tâm hàng đầu không chỉ của các cơ quan nhà nước mà còn của mọi DN và người dân. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng CNTT, internet càng cao thì các rủi ro tiềm ẩn càng lớn, trong khi đó nhiều cơ quan, DN lại chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn thông tin và an ninh mạng. Để giúp cho các DN hiểu rõ hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến an ninh mạng, ý thức rõ hơn về vấn đề đảm bảo an ninh mạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu, nhất là khi Việt Nam vừa tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, theo ông Tuyến, việc nghe các chuyên gia đến từ Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông… trao đổi các vấn đề sẽ rất thiết thực để các DN nắm được thông tin, học hỏi kinh nghiệm về các vấn đề pháp lý thông tin mạng liên quan đến DN tại Việt Nam.
Thiếu tướng Trần Công Trường - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết: Theo đánh giá của các hãng bảo mật có uy tín trên thế giới, Việt Nam nằm trong 8 quốc gia châu Á đứng trước hiểm họa an ninh mạng, xếp thứ 3 sau Nga và Ấn Độ về số lượng người dùng thiết bị di động bị mã độc tấn công nhiều nhất thế giới, tiếp tục nằm trong danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ bị tán phát thư rác… Thống kê của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho thấy, chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam năm 2015 chỉ đạt 46,5%. Đáng chú ý, năm nay đã tăng vọt số vụ tấn công mạng với hơn 10 nghìn trang tên miền .vn bị tấn công từ chối dịch vụ, chỉnh sửa nội dung, chiếm đoạt thông tin. Tấn công mạng gây nhiều thiệt hại cho DN và người dùng, ước tính giá trị có thể lên đến 8.500 tỷ đồng mỗi năm và các tổn hại về uy tín, thương hiệu khó có thể định lượng. Có thể kể đến gần đây là vụ tấn công vào hệ thống mạng của Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam làm ngưng trệ các trang mạng có lượng người truy cập lớn như Dân trí, CafeF, GenK, Kênh 14…
Ông Trường đồng tình rằng nhiều cơ quan, DN còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và an ninh mạng và bổ sung thêm là còn chưa chú trọng ban hành và thực thi chính sách, đầu tư triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, hệ thống mạng còn nhiều lỗ hổng bảo mật… Mặt khác, nhiều DN chấp hành chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, về quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng. Ông Trường nhấn mạnh các nguy cơ về an ninh mạng đối với các tổ chức, DN hoạt động trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, hàng không, năng lượng, truyền thông và CNTT. Đặc biệt, các hoạt động khủng bố qua mạng trên thế giới sẽ tác động mạnh đến tư tưởng một số đối tượng quá khích trong nước, làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng bố ở Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia như vụ truy tìm, xử lý theo quy định của pháp luật 3 học sinh ở Bình Định, Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu có hành vi giả mạo thành viên của IS trên facebook để đe dọa, kích động khủng bố.
Tăng cường quản lý về an toàn thông tin
Để lĩnh vực an toàn thông tin được bảo đảm hữu hiệu hơn, trong thời gian tới, theo Thiếu tướng Trường, các cơ quan, tổ chức, DN cần chú trọng quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cũng như chủ động nâng cao năng lực phòng chống tấn công mạng cho tổ chức, DN mình và đóng góp tích cực hơn vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ông Trường đề nghị các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, internet và nội dung thông tin chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ các thuê bao di động trả trước, thuê bao 3G, mạng xã hội, trò chơi điện tử trực tuyến, các ứng dụng OTT do mình cung cấp, không để các sơ hở tiếp tục trở thành điều kiện cho hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Nêu thực trạng về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin, ông Nguyễn Quang Thắng (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, tuy đã có hành lang pháp lý cho thực thi quản lý nhà nước song các văn bản này vẫn chưa đầy đủ và chưa có tính hệ thống hóa, chưa toàn diện, đòi hỏi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện. Do đó, ông Thắng khẳng định, việc ban hành Luật An toàn thông tin mạng là cần thiết để hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý toàn diện về các vấn đề trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm định an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Hải Anh thì điểm lại những kết quả đạt được trong triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần giảm thiểu những nguy cơ, những điểm mất an toàn thông tin của các hệ thống thông tin do các cơ quan, tổ chức quản lý, vận hành sử dụng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vừa qua là còn thiếu nguồn nhân lực, cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực an toàn thông tin, hạn chế về trang thiết bị hỗ trợ cho công tác triển khai nên bà Hải Anh mong muốn tới đây sẽ được quan tâm, đầu tư hợp lý.
Cẩm Vân