Giới thiệu trợ giúp pháp lý Argentina

19/10/2015
Từ ngày 21/9 đến ngày 25/9/2015, Đoàn công tác do Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức đã làm việc với các cơ quan Trợ giúp pháp lý tại Argentina (Văn phòng Luật sư công Liên bang; Văn phòng Luật sư công tại thành phố tự trị Buenos Aires; Đoàn Luật sư thành phố Buenos Aires; 07 Ủy ban hỗ trợ trực thuộc Văn phòng Luật sư công Liên bang (Ủy ban tiếp cận công lý; Ủy ban hỗ trợ thiết chế với trẻ em và vị thành niên; Ủy ban về các vấn đề xã hội và quan hệ cộng đồng; Ủy ban hỗ trợ pháp lý cho tù nhân trong tù; Ủy ban về giới và cho các nạn nhân bạo lực về giới; Ủy ban hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn); Tổ chức phi Chính phủ nghiên cứu về pháp luật và xã hội (CELS); Nhà tù  liên bang Penitentiary;  Trung tâm tiếp cận công lý trực thuộc Cục Củng cố, thúc đẩy tiếp cận công lý, Bộ Tư pháp). Cục Trợ giúp pháp lý xin giới thiệu kết quả nghiên cứu của Đoàn công tác và đề xuất những kinh nghiệm tham khảo áp dụng tại Việt Nam.

1. Khái quát về hệ thống trợ giúp pháp lý ở Argentina

Argentina là một quốc gia theo thể liên bang, hình thành với 23 bang và một thành phố tự trị là thủ đô Buenos Aires. Tại đây, trước khi cải tổ Hiến pháp năm 1994, chức năng trợ giúp pháp lý thuộc hệ thống cơ quan tư pháp. Sau năm 1994, sau khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên bang, Bộ Xã hội không nằm trong hành pháp và nằm ngoài tư pháp thực hiện 02 chức năng là công tố và trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên 02 chức năng này là độc lập, không có Bộ trưởng chung mà có 02 người đứng đầu 02 bộ phận này là Viện trưởng Viện công tố và Chủ tịch Văn phòng Luật sư công Liên bang do Tổng thống bổ nhiệm sau khi được Thượng viện thông qua. Hiện nay, Bộ này đã trở thành một nhánh quyền lực thứ tư của Nhà nước (nằm ngoài và độc lập với hành pháp, lập pháp, tư pháp).

Điều chỉnh hoạt động của Văn phòng Luật sư công Liên bang có Luật về Văn phòng Luật sư công Liên bang năm 1988, đến nay được thay thế bởi Luật Tổ chức về Văn phòng Luật sư công Liên bang (năm 2015). Đây là cơ quan thực hiện việc bào chữa và bảo vệ quyền con người, đảm bảo việc tiếp cận công lý và trợ giúp pháp lý, đồng thời có chức năng thúc đẩy những biện pháp bảo vệ và bào chữa cho những quyền cơ bản của con người, đặc biệt là những người yếu thế.

a. Văn phòng Luật sư công Liên bang

Văn phòng Luật sư công liên bang là một cơ quan có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền cho những người dễ bị tổn thương trong lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính. Các dịch vụ được cung cấp  bởi Văn phòng luật sư công là miễn phí cho những người đủ tiêu chuẩn theo luật và các quy định hiện hành. Văn phòng luật sư công đặt ra những mục tiêu và tiêu chuẩn về mức thu nhập kinh tế hoặc sự yếu thế để cung cấp dịch vụ luật sư công, ngoài những vụ án bắt buộc phải tham gia. Ngoài ra, Văn phòng luật sư công liên bang còn cung cấp các dịch vụ trợ giúp về nhà ở, y tế.v.v. cho người nghèo, người dễ bị tổn thương nhằm thúc đẩy những biện pháp hỗ trợ chức năng bảo vệ quyền con người.

Văn phòng Luật sư công Liên bang được tổ chức theo ngành dọc, theo đó Văn phòng Luật sư công Liên bang Trung ương quản lý, điều hành 23 Văn phòng Luật sư công Liên bang đại diện tại 23 tiểu bang và giúp giải quyết các tranh chấp trước khi đưa ra tòa án tối cao liên bang. Trụ sở chính của Văn phòng Luật sư công Liên bang nằm tại thành phố Buenos Aires. Đứng đầu Văn phòng Luật sư công Liên bang là Chủ tịch. Chủ tịch phải là người Argentina, tốt nghiệp luật sư và có 8 năm kinh nghiệm, đáp ứng được những yêu cầu để trở thành thượng nghị sĩ quốc gia và được bổ nhiệm dựa trên biểu quyết của 2/3 thành viên có mặt của Thượng viện quốc gia.

Cơ cấu của Văn phòng Luật sư công Liên bang bao gồm:

- Văn phòng Luật sư công Liên bang Trung ương là một tổ chức giám sát, điều hành và quản lý những dịch vụ bào chữa, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, phù hợp và thiết lập, thực hiện các chính sách công.

- Các đại diện Văn phòng Luật sư công là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc đại diện và trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tại các cơ quan và tòa án khác nhau.

- Hội đồng tư vấn của Văn phòng Luật sư công Liên bang là cơ quan tư vấn của Luật sư công liên bang.

Theo Luật Tổ chức về Văn phòng Luật sư công Liên bang thì cơ quan này được cơ cấu gồm 9 bộ phận như sau:

- Ban điều hành chung và tài chính;

- Các tổng thư ký về giám sát và nhân sự, thể chế chính sách và điều phối;

- Văn phòng tư vấn pháp luật;

- Văn phòng kiểm toán và giám sát điều hành;

- Ban giám hộ công và người quản lý công;

- Ban truyền thông thể chế;

- Ban báo chí và phổ biến;

- Ban công nghệ thông tin

- Ban hợp tác.

Ngoài ra, Luật sư công Liên bang có thể thành lập những cơ quan cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình.Văn phòng Luật sư công Liên bang phát triển những Ủy ban hỗ trợ chức năng chung của Văn phòng luật sư công liên bang để tiếp cận quyền được trợ giúp và thành lập những cơ chế để tiếp cận với những nhóm người khác nhau một cách hiệu quả như hỗ trợ cho tù nhân trong tù; cho trẻ em và vị thành niên; nạn nhận về bạo lực giới, người tị nạn.v.v. Hiện nay, Văn phòng Luật sư công Liên bang có 16 Ủy ban thực hiện chức năng hỗ trợ, các nhân viên làm việc tại các Ủy ban này đều được trả lương từ Văn phòng Luật sư công Liên bang. Đoàn công tác đã đi thăm và làm việc với 07 Ủy ban:

- Ủy ban tiếp cận công lý: Đây là Ủy ban được thành lập ra nhằm bổ sung chức năng tư vấn pháp lý của các Trung tâm Tiếp cận công lý thuộc Bộ Tư pháp. Đứng đầu Ủy ban là luật sư công, ngoài ra làm việc tại Ủy ban còn có các nhà xã hội học, tâm lý học… Đối tượng hướng đến của chương trình là cộng đồng dân cư nghèo tại thành phố và tỉnh Buenos Aires. Khi phát hiện nhu cầu pháp lý từ những cư dân nghèo họ sẽ chuyển yêu cầu đến bộ phận bào chữa hoặc những cơ quan quyền lực khác có thẩm quyền để giải quyết.

- Ủy ban hỗ trợ thiết chế với trẻ em và vị thành niên: Ủy ban này theo dõi các vụ việc có người dưới 18 tuổi ở cấp liên bang. Trong Ủy ban này có Luật sư công và các nhân viên khác thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát các vấn đề của trẻ em, vị thành niên bị giam giữ đối với các vấn đề về hình sự, dân sự, thần kinh, sức khỏe… Họ được quyền tiếp cận, điều tra những người có liên quan đến việc giam giữ trẻ em và vị thành niên, khi phát hiện những sai phạm họ được quyền kiến nghị, khiếu kiện lên cơ quan có thẩm quyền.

- Ủy ban về các vấn đề xã hội và quan hệ cộng đồng: Đối tượng hướng đến của Ủy ban này là người được bào chữa công phục vụ và những người có liên quan đến họ ở thành phố Buenos Aires và một số tỉnh khác. Nhân viên của Ủy ban này là các nhà thần kinh học, điều tra xã hội; cử nhân luật (không có luật sư công) không thực hiện tư vấn pháp luật, không tham gia tố tụng mà hỗ trợ luật sư công trong việc cung cấp các thông tin về môi trường xung quanh người bị bắt, bị can, bị cáo và những người liên quan đến họ. Đồng thời, họ có thể hỗ trợ người dân trong các loại giấy tờ và trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó, Ủy ban này cũng theo dõi các chính sách xã hội do Chính phủ ban hành liên quan đến đối tượng phục vụ của mình đúng quy định.

- Ủy ban hỗ trợ pháp lý cho tù nhân trong tù: Đối tượng hướng đến của Ủy ban này là tù nhân (bao gồm nam giới và nữ giới) trong các nhà tù thuộc lãnh thổ của thành phố Buenos Aires nhằm hỗ trợ các vấn đề khác trong vụ án hình sự, bảo đảm tù nhân được tiếp cận pháp lý bảo vệ quyền lợi của họ. Ủy ban này tiếp nhận thông tin vụ việc từ các nguồn: từ chính tù nhân hoặc người thân của họ hoặc người làm ở khu giam giữ hoặc luật sư công phụ trách vấn đề hình sự thông báo. Ủy ban có các luật sư công và nhân viên thực hiện chức năng tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho tù nhân trong tù các vấn đề (trừ vấn đề hình sự đã được thực hiện bởi luật sư công hình sự phụ trách) như vấn đề ly hôn, con cái, tài sản,…

- Ủy ban về giới và cho các nạn nhân bạo lực về giới: Chức năng của Ủy ban này là tạo điều kiện cho nạn nhân của bạo lực giới, phụ nữ trong tố tụng hình sự và người chuyển giới, nạn nhân của kỳ thị giới, người đồng tính được tiếp cận công lý; thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu về những đối tượng trên để đề xuất ra các giải pháp bảo đảm hiệu quả cho việc bảo đảm nhân quyền cho họ. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động của luật sư công, họ cũng thực hiện tư vấn cho từng trường hợp cụ thể và có thể đồng hành cũng các cơ quan tố tụng để bảo đảm trong các quá trình tố tụng không xảy ra sai phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng này.

- Ủy ban hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn: Chức năng của Ủy ban này là tiếp nhận những người di cư hỗ trợ thủ tục cho họ để họ có thể nhập cư ở Argentina (nếu yêu cầu bị tự chối thì họ can thiệp trực tiếp đến Bộ Nội vụ hoặc Tòa án); hỗ trợ người di cư trong việc nhập quốc tịch tại Argentina; hỗ trợ cho tù nhân là người nước ngoài sau khi chấp hành án xong có nhu cầu định cư tại Argentina.

- Ủy ban thực thi quyền con người: Mục tiêu là thúc đẩy các thỏa thuận nhân quyền giữa Argentina với các tổ chức quốc tế. Đối tượng quan tâm là những bị cáo trong các vụ án hình sự mà các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước xử lý. Ủy ban này thực hiện chức năng tranh tụng (nếu có khiếu kiện quốc tế về việc bảo vệ nhân quyền của quốc gia thì tổ chức này sẽ tranh tụng chống lại quốc gia để bảo vệ nhân quyền), đào tào luật sư liên quan đến lĩnh vực nhân quyền, tuyên truyền về nhân quyền.

Văn phòng luật sư công liên bang có văn phòng đại diện tại mỗi bang song song với Văn phòng luật sư công cấp bang. Như vậy, tại mỗi bang, tồn tại hai cơ chế hoạt động là đại diện của Văn phòng Luật sư công liên bang và Văn phòng luật sư công cấp bang. Tùy theo tính chất phạm tội, mức độ phạm tội là tội phạm của cấp bang hay tội phạm của cấp liên bang sẽ có sự tiếp nhận vụ việc tương ứng, ví dụ đối với các tội phạm mang tính chất quốc gia như tội phạm ma túy, rửa riền sẽ do đại diện của Văn phòng luật sư công liên bang thực hiện.

b. Văn phòng Luật sư công cấp bang

Văn phòng Luật sư công cấp bang tại thành phố tự trị Buenos Aires thực hiện bào chữa trong các vụ án hình sự và các vấn đề xã hội như văn hóa, kinh tế, hành chính, nhà ở,... Đối với các vấn đề dân sự thì do Văn phòng Luật sư công Liên bang đảm nhiệm và trong một giai đoạn tố tụng nào đó sẽ chuyển giao lại cho văn phòng này thực hiện. Văn phòng này có 24 luật sư hoạt động trong lĩnh vực hình sự, chia thành 5 khu vực khác nhau ở các văn phòng cụ thể; 06 luật sư hoạt động trong lĩnh vực hành chính. Mỗi năm, thành phố thụ lý khoảng 10.000 vụ việc tố tụng (trong đó Văn phòng này thực hiện được 2/3; luật sư tư thực hiện khoảng 1/3 tổng vụ việc). Thường thường các luật sư công tại thành phố này có khoảng 600 vụ việc được tiến hành đồng thời trong một thời điểm (hôm nay ra tòa vụ này, ngày mai lại ra tòa bào chữa vụ khác, có những ngày bào chữa vài vụ việc). Luật sư ở đây làm việc theo ca, một tháng trực 15 ngày ở 5 khu vực cảnh sát. Tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, luật sư công trực sẽ tiếp nhận và giải quyết vụ việc. Mỗi luật sư công có khoảng 9 người phụ giúp đều do Văn phòng Luật sư công trả lương (02 trợ lý; người giúp phỏng vấn; người tìm chứng cứ; công việc hành chính; người đi thăm tù nhân...). Ngoài ra còn có thể có pháp y, nhân chủng học, trợ giúp về tội phạm học...hỗ trợ.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

Ở Argentina, Hiến pháp và các luật liên quan có quy định các vụ án hình sự phải bắt buộc phải có luật sư. Khi một người cụ thể liên quan đến quá trình tố tụng (nhất là ở giai đoạn tiền tố tụng), trong quá trình thẩm vấn của cảnh sát là một giai đoạn dễ bị tổn thương nhất, do đó rất cần luật sư và sự có mặt của luật sư được coi là một thủ tục tố tụng bắt buộc, nếu không thì kết quả tố tụng đó sẽ không được công nhận. Do đó, vai trò của Luật sư là rất quan trọng trong bất kỳ một giai đoạn tố tụng nào.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý ở Argentina là các Luật sư công và các nhân viên hỗ trợ được Nhà nước trả lương. Năm 2014, Văn phòng luật sư công liên bang thực hiện khoảng 121.000 vụ việc hình sự và hơn 4.000 vụ việc dân sự. Trong đó, khoảng 80% vụ án hình sự do Luật sư công đảm nhiệm, còn lại do luật sư tư thực hiện. Hệ thống Luật sư công Liên bang được can thiệp ngay lập tức và liên tục trong suốt quá trình từ khi bị bắt giữ.

Hiện nay, có 2.900 người làm việc tại Văn phòng luật sư công liên bang, được chia thành 03 nhóm: 230 Luật sư công chính thức do Tổng thống bổ nhiệm sau khi được 2/3 Nghị sỹ Quốc hội chấp thuận (trong đó được phân theo các cấp bậc khác); hơn 700 Luật sư công tạm thời do Chủ tịch Văn phòng Luật sư công Liên bang bổ nhiệm và các nhân viên hành chính, hỗ trợ.

Các Luật sư công được tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển. Quy trình bổ nhiệm, lương và chế độ chính sách đối với Luật sư công liên bang cũng giốngnhư Thẩm phán, công tố viên, họ cũng được bổ nhiệm đến năm 75 tuổi trừ trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng (sau năm 75 tuổi sẽ thực hiện quy trình lại từ đầu). Điều kiện để được thi tuyển của Luật sư công chính thức được chia thành 04 cấp tương đương với các vị trí tuyển dụng với những tiêu chí từ cao đến thấp (không yêu cầu phải là luật sư công tạm thời). Việc trả lương cho các luật sư công được Văn phòng Luật sư công Liên bang thực hiện theo cấp bậc, ví dụ như luật sư cấp sơ thẩm, luật sư cấp phúc thẩm, luật sư cấp thượng thẩm. Trong thời gian đợt thi tuyển của Văn phòng Luật sư công Liên bang, Chủ tịch được Luật cho phép bổ nhiệm Luật sư công tạm thời thực hiện các chức năng tương tự như Luật sư công chính thức.

Mỗi luật sư công có các nhân viên hỗ trợ đều có một văn phòng làm việc riêng, đóng rải rác theo các khu vực nhất định. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, với sự nhất trí của Luật sư công thì Văn phòng Luật sư công Liên bang được quyền điều chuyển vị trí công tác của họ để thực hiện các công việc có cùng tính chất, vị trí mà họ đang thực hiện trong cùng quận hoặc thậm chí khác quận.

3. Người được trợ giúp pháp lý

Văn phòng Luật sư công Liên bang thiết lập những điều kiện trong các chương trình để hỗ trợ kỹ thuật tư pháp và tham gia tố tụng cho những người tham gia trong quá trình tố tụng hình sự (như bị cáo, thậm chí là nguyên đơn dân sự) do nguồn tài chính hạn chế hoặc họ là đối tượng yếu thế thì sẽ được trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, pháp luật nước này không quy định cụ thể những đối tượng được coi là dễ bị tổn thương, mà trong từng trường hợp Văn phòng Luật sư công Liên bang sẽ đặt ra những mục tiêu và tiêu chuẩn về mức thu nhập tài chính hoặc mức độ yếu thế để cung cấp dịch vụ TGPL do luật sư công thực hiện. Tiêu chí đầu tiên phải kể đến là người nghèo, sau đó là các tiêu chí như theo cư trú (người tị nạn), theo tuổi (như trẻ em, người cao tuổi), theo tình trạng pháp lý (như người bị bắt giữ, bị giam, bị can, bị cáo).v.v.

Trong các vụ án hình sự, luật sư công thực hiện hỗ trợ theo yêu cầu của người dân hoặc do không có người bào chữa thì sau khi kết thúc vụ án thẩm phán quyết định chi phí tham gia tố tụng mà họ phải trả cho luật sư công nếu họ có đủ điều kiện chi trả (nếu họ không đủ điều kiện để thuê luật sư vào thời điểm kết án thì họ được miễn phí). Trong những vụ án khác (không phải vụ án hình sự), chi phí nghiệp vụ sẽ được trả bởi bên thua kiện, sau khi người thắng kiện nhận được hoàn toàn tài sản của mình hoặc khi có một sự tăng lên đáng kể trong của cải của họ. Các chi phí thu được này sẽ đưa vào một khoản đặc biệt của Văn phòng Luật sư công Liên bang dùng để đào tạo cán bộ, kinh phí dành cho bảo hiểm xã hội của bị cáo, những người được bào chữa và cho tất cả các hoạt động nhằm phát triển dịch vụ theo quy định.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                      

4. Nguồn tài chính hoạt động của Văn phòng Luật sư công Liên bang

Theo Hiến pháp Argentina, Văn phòng luật sư công liên bang cơ quan này độc lập về chức năng cũng như có quyền tự kiểm soát tài chính. Theo đó, Văn phòng Luật sư công Liên bang, có tài khoản riêng, được quản lý và kiểm soát thu chi bởi Kho bạc nhà nước và các nguồn khác. Nguồn tài chính Văn phòng Luật sư công liên bang bao gồm nguồn kinh phí của Ngân sách quốc gia và nguồn thu của Văn phòng.

a. Nguồn của Ngân sách quốc gia

Pháp luật Argentina quy định ngân sách cấp cho Văn phòng Luật sư công Liên bang bao gồm phần tương đương 0.06% nguồn thu thuế  của cơ quan quản lý trung ương. Hằng năm, Văn phòng Luật sư công Liên bang sẽ xây dựng dự toán thu chi cho năm sau theo đúng các nguyên tắc về quản lý hiệu quả nguồn kinh phí trình lên Ban điều hành quốc gia, sau đó trình lên Hội đồng quốc gia danh dự. Mỗi năm Văn phòng luật sư công liên bang được cấp khoảng 200 triệu USD để chi trả tiền lương cho đội ngũ luật sư công và các chi phí hoạt động.

b. Nguồn thu của Văn phòng Luật sư công Liên bang

Nguồn thu của Văn phòng Luật sư công Liên bang bao gồm: Phần tài sản tặng cho;  tiền phạt từ những vụ việc thuộc trách nhiệm của Văn phòng Luật sư công Liên bang và những khoản từ ngân sách khác; khoản thu từ việc bán và cho thuê những bất động sản và động sản của Văn phòng Luật sư công Liên bang; chi phí chuyên môn thu được từ việc hoạt động của Văn phòng Luật sư công Liên bang theo quy định của pháp luật.

5. Các vấn đề liên quan khác

- Văn phòng tiếp cận công lý, Bộ Tư pháp:

Tại Argentina, Bộ Tư pháp có chức năng phục vụ công lý và bảo vệ xã hội, có nhiệm vụ xây dựng và phổ biến pháp luật, tư vấn các vấn đề về chính sách pháp luật cho Tổng thống, thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân. Hiện nay, Bộ Tư pháp có 82 Trung tâm tiếp cận công lý cho người dân. Các Trung tâm này cung cấp thông tin pháp luật, tư pháp và tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho người dân cho các vụ việc. Cộng tác viên của các Trung tâm này là cán bộ các bộ, ngành khác trong các lĩnh vực được xã hội quan tâm, được cơ quan đó trả lương và làm việc tại các Trung tâm này để giúp người dân được tiếp cận pháp luật.

- Tổ chức nghiên cứu về pháp luật và xã hội (CELS):

Đây là tổ chức phi chính phủ với mục đích bảo vệ quyền con người và tăng cường hệ thống dân chủ của Argentina. Tổ chức không nhận bất kỳ khoản ngân sách nào từ Nhà nước, chức năng là thúc đẩy các văn phòng bào chữa công liên bang và cấp bang để họ thực hiện tốt chức năng của mình để bảo vệ nhân quyền, bảo đảm phiên tòa được triển khai và thông qua những vụ việc cụ thể họ sẽ tác động trong quá trình xây dựng chính sách công. Họ thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và các hoạt động mang tính chất trợ giúp khác cho các đối tượng theo từng chương trình quốc tế họ tiếp nhận.

- Nhà tù liên bang Penitentiary:

Đoàn công tác đã tham quan và làm việc tại nhà tù liên bang Penitentiary để tìm hiểu cơ chế tiếp cận dịch vụ luật sư của người bị bắt giữ. Theo đó, có 02 cơ chế tiếp cận bao gồm: Luật sư của người bị bắt giữ và luật sư tại văn phòng luật sư công theo ca trực. Các luật sư tại văn phòng luật sư công có mối quan hệ thông tin mật thiết với Tòa án, khi thẩm phán ra thông báo có vụ việc tố tụng đến văn phòng luật sư công thì luật sư có ca trực phải tiếp nhận vụ việc đó. Tùy theo tính chất vụ việc sẽ được thông báo đến văn phòng luật sư công liên bang hay cấp bang.

- Đoàn Luật sư thành phố tự trị Buenos Aires:

Đoàn Luật sư thành phố Buenos Aires là nơi cấp thẻ luật sư cho những người sau khi tốt nghiệp Đại học luật, giám sát đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Có 120.000 luật sư đăng ký tại thành phố này, mỗi năm cấp khoảng 3.500 chứng chỉ. Cứ 03 năm Đoàn lại cấp lại thẻ luật sư nếu không có vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật. Đối với các luật sư làm việc ở các khu vực công sẽ được cấp lần đầu, khi họ làm việc tại các cơ quan công được hiểu rằng tạm dừng hiệu lực thẻ luật sư cho đến khi họ không làm việc ở đó nữa.

Đoàn Luật sư thành phố có Phòng Tư vấn pháp luật do 02 Luật sư tình nguyện làm việc. Trong trường hợp nhiều yêu cầu thì sẽ huy động sự tham gia các luật sư đăng ký tại Đoàn theo hình thức bốc thăm để thực hiện tư vấn pháp lý miễn phí trong vụ việc cụ thể cho người dân (probono). Nếu không tuân thủ theo sự chỉ định này sẽ bị phạt tiền hoặc không cấp lại thẻ luật sư.

6. Nhận xét

- Ở Argentina, tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập nhưng có những giải pháp nhằm hạn chế bớt sự đối đầu giữa các nhánh quyền lực theo xu hướng bảo đảm sự hài hòa trong tổ chức và phân công quyền lực. Trong đó, việc hình thành Bộ Xã hội (trong đó có Văn phòng Luật sư công Liên bang giữ chức năng trợ giúp pháp lý và bảo vệ nhân quyền) là một trong những giải pháp đó nhằm bảo vệ công lý tốt hơn, người dân có điều kiện tiếp cận công lý dễ dàng. Tại đây, trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế trong xã hội được Nhà nước quan tâm và bảo đảm (với khoảng 80% vụ án có Luật sư công thực hiện).

- Về mô hình trợ giúp pháp lý: Văn phòng Luật sư công liên bang là một cơ quan được thành lập theo Hiến pháp, được tổ chức theo ngành dọc, độc lập về chức năng và tài chính, có trụ sở chính tại thành phố Buenos Aires và các Văn phòng đại diện ở 23 tỉnh khác.

- Người thực hiện trợ giúp pháp lý: Ở Argentina, người thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu là Luật sư công được Nhà nước tuyển dụng và trả lương, ngoài ra Nhà nước còn sử dụng một đội ngũ người làm việc tại Văn phòng Luật sư công Liên bang giữ chức năng hỗ trợ cho Luật sư công.

- Cơ chế hỗ trợ: Ngoài chức năng bào chữa, Văn phòng Luật sư công Liên bang cũng đồng thời thiết lập nhiều thiết chế khác nhằm hỗ trợ chức năng chính và bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.

- Cơ chế phối hợp: Các luật sư tại văn phòng luật sư công có mối quan hệ thông tin mật thiết với Tòa án, khi có vụ việc sẽ có cơ chế thông tin đến Văn phòng Luật sư công, do đó tránh việc bỏ sót đối tượng. Mặt khác, Ở Argentina Hiến pháp và các luật liên quan có quy định các vụ án hình sự phải bắt buộc phải có luật sư.

7. Một số đề xuất, kiến nghị đối với trợ giúp pháp lý Việt Nam

Qua kết quả khảo sát về tổ chức và hoạt động của trợ giúp pháp lý tại đất nước lớn thứ hai Nam Mỹ, Cục Trợ giúp pháp lý rút ra một số kinh nghiệm có thể tham khảo để bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân như sau:

a. Sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) theo hướng:

- Cần xây dựng tổ chức trợ giúp pháp lý theo hướng thiết lập hệ thống trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính khách quan, độc lập trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý theo kết luận số 131-TB/BCS ngày 07/11/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

- Nhà nước cần có đội ngũ người của mình để thực hiện trợ giúp pháp  lý, bảo đảm kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân (luật sư công). Nghiên cứu chế định người thực hiện trợ giúp pháp lý chuẩn hóa với các điều kiện, tiêu chuẩn như luật sư, hưởng lương hàng tháng từ ngân sách nhà nước với mức lương tương đương với các chức danh kiểm sát và tòa án, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

- Nghiên cứu cơ chế, nguồn lực để đảm bảo những người không có điều kiện thuê luật sư được Nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Cần có các cơ chế hỗ trợ bên cạnh việc tham gia tố tụng để bảo đảm quyền tiếp cận công lý nói chung và quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân.

- Cần quy định rõ nguồn tài chính dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý; có cơ chế, giải pháp tăng nguồn kinh phí cho hệ thống trợ giúp pháp lý.

b. Sửa đổi các Luật có liên quan:

- Sửa đổi các Luật tố tụng liên quan:

+ Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự: Về những trường hợp chỉ định người bào chữa, đề nghị bổ sung thêm một điểm “c. Người thuộc diện được trợ giúp pháp lý” vào Khoản 1 Điều 121Dự thảo. Việc bổ sung quy định này chỉ là tạo cơ chế hữu hiệu để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người thuộc diện trợ giúp pháp lý, tránh bỏ sót đối tượng.

+ Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự: Đề nghị bổ sung trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý của người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng Điều 193 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự: Đề nghị bổ sung trách nhiệm giải thích cho người bị bắt về quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người bị bắt vào Điều 8 Dự thảo về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra.

- Sửa đổi Luật Luật sư theo hướng sửa đổi các quy định về luật sư có liên quan đến trợ giúp pháp lý trong Luật Luật sư theo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) (Luật sư công).

Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp


Trịnh Thanh Cục TGPL