PV: Theo Đề án 123, Học viện Tư pháp được giao thêm nhiệm vụ nâng cao năng lực đào tạo trong nước luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Xin ông cho biết Học viện triển khai nhiệm vụ này như thế nào?
*. Trên cơ sở Quyết định số 3147/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày 27 tháng 12 năm 2013 về việc thành lập Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp đã tổ chức thành công lễ ra mắt Trung Tâm vào ngày 29/03/2014, cơ bản ổn định nhân sự và cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động của Trung tâm. Để tạo nguồn học viên cho Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế đã tổ chức thành công 02 lớp tiếng Anh pháp lý cơ bản và 02 lớp tiếng Anh pháp lý nâng cao cho 70 học viên và dự kiến sẽ tiếp tục khai giảng hai lớp tiếng Anh pháp lý cơ bản và nâng cao trong tháng 11/2015. Học viện Tư pháp cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Trường Đại học New South Wales trong việc hợp tác nghiên cứu, đào tạo luật nói chung và đào tạo luật sư thương mại quốc tế nói riêng. Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp đã ký Biên bản ghi nhớ với Đại học Luật Nottingham Trend (Anh) và đang đàm phán với đối tác này trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Học viện Tư pháp và Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế đã tổ chức nhiều buổi làm việc chính thức với một số tổ chức hành nghề luật sư hàng đầu của Việt Nam và các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam để thiết lập quan hệ hợp tác trong các hoạt động của Trung tâm: Công ty luật Baker&MacKenzie Việt Nam, Công ty luật Allen & Linklaters, Công ty luật TNHH Vilaf Hồng Đức, Công ty luật YKVN, Công ty luật Tilleke & Gibbins, Công ty luật TNHH Tư vấn độc lập.
Để triển khai nhiệm vụ chính của Trung tâm là đào tạo đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế, Học viện Tư pháp đã xây dựng Chương trình khung đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế gửi đến 26 đơn vị có liên quan để xin ý kiến góp ý. Dự kiến, Học viện sẽ hoàn thành việc xây dựng Chương trình khung và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong tháng 11 năm 2015.
PV: Theo phản ánh của nhiều luật sư thì tiến độ triển khai Đề án 123 không được như mong đợi, đâu là nguyên nhân, thưa ông? Cụ thể những khó khăn đó là gì, thưa ông?
*. Hiện nay, Học viện Tư pháp đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ của Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế như vấn đề về địa vị pháp lý của Trung tâm, nhân sự, tài chính. Song có lẽ khó khăn nhất chính là việc tìm kiếm đối tác và các vấn đề liên quan đến học phí và chính sách hỗ trợ học phí đối với học viên tham gia Chương trình.
Để có thể liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài, vấn đề kinh phí đào tạo cần thiết phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Học viện Tư pháp đã tiến hành đàm phán với một số đối tác liên kết đào tạo có kinh nghiệm và uy tín trên thế giới về đào tạo nghề luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Theo báo giá từ đối tác thì kinh phí đào tạo một học viên cho Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế trong 12 tháng dao động từ 18.544 USD đến 27.076 USD (nếu đào tạo một nhóm học viên là 21 người) và 17.076 USD đến 22.359 USD (nếu đào tạo một nhóm học viên là 24 người). Học viện Tư pháp đang tiến hành đàm phán tuy nhiên khả năng đạt được mức giá phù hợp với khả năng chi trả của học viên là 5.000 USD là rất khó.
Đề án 123 có quy định về chính sách hỗ trợ học phí cho học viên. Cụ thể, theo Điểm 2.1 Mục III Đề án 123: “Đối với học viên tham gia khóa học để làm việc cho cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí. Đối với các học viên có cam kết của tổ chức hành nghề luật sư về việc phục vụ yêu cầu của Chính phủ được Nhà nước hỗ trợ 50% học phí. Đối với các học viên khác thì tự túc hoàn toàn kinh phí”. Theo quy định này, thì chỉ có các các học viên là cán bộ, công chức, viên chức mới được hỗ trợ 100% kinh phí. Tuy nhiên, các đối tượng này lại không phải là luật sư. Đối tượng chính là các luật sư thì chỉ được hỗ trợ 50% học phí nếu các học viên có cam kết của các tổ chức hành nghề luật sư và không được hỗ trợ học phí nếu không có cam kết của các tổ chức hành nghề luật sư.
Trong hai cuộc Tọa đàm do Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế tổ chức vào tháng 10 và tháng 12 năm 2014 và kết quả Khảo sát do Trung tâm tiến hành với quy mô 1023 phiếu thì nhiều ý kiến trả lời cho rằng Đề án 123 hướng đến việc phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế cho Việt Nam, tuy nhiên dường như các đối tượng chính của Đề án - các luật sư đang hành nghề, các luật sư tập sự hoặc các sinh viên luật xuất sắc thì lại không được nhận sự hỗ trợ kinh phí đào tạo của Nhà nước. Các đối tượng nêu trên chiếm tỷ lệ khá lớn trong số các cá nhân có nhu cầu đào tạo và đáp ứng được yêu cầu ngoại ngữ và nhiều các yêu cầu khác theo quy định của Đề án 123, tuy nhiên, nếu không có được sự hỗ trợ về học phí thì khó có thể tham gia chương trình đào tạo luật sư thương mại quốc tế.
PV: Trước những khó khăn này, Học viện có giải pháp gì để tháo gỡ không, thưa ông?
*. Học viện Tư pháp đã làm báo cáo gửi Cục Bổ trợ tư pháp về các khó khăn, vướng mắc để Cục Bổ trợ tư pháp tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp đang tích cực và chủ động phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Tư pháp để tìm hướng giải quyết cho những vướng mắc hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thúy (thực hiện)
Tính đến nay, Học viện Tư pháp đã đào tạo được tổng số 47.721 học viên, trong đó số học viên được đào tạo là 34.750 học viên, số học viên được bồi dưỡng là 12.971 học viên. Trung bình mỗi năm Học viện đào tạo, bồi dưỡng được 4.772 học viên. Cụ thể,: nghiệp vụ xét xử là 3.884 học viên, nghề luật sư là 21.984 học viên, nghiệp vụ kiểm sát viên là 1.065 học viên, nghề công chứng viên là 3.251 học viên, nghiệp vụ thi hành án là 3.708 học viên, nghề đấu giá viên là 710 học viên; số lượng bồi dưỡng các chức danh tư pháp là 12.971 lượt học viên.