Sở hữu toàn dân, cá nhân hưởng lợi
Theo Luật Đất đai 2013, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng thực tế quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai lại thuộc về một số cá nhân được ủy quyền (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh). PGS.TS.Nguyễn Quang Tuyến – Đại học Luật Hà Nội nhận định, “điều này tiểm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm trong việc phân phối đất đai thông qua các hoạt động quản lý đất đai nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát một cách hữu hiệu”.
Vì vậy, mặc dù Luật Đất đai 2013 đã bổ sung các quy định về giám sát, về điều kiện thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, song các chuyên gia pháp lý vẫn nhận thấy, quy định về quyền sở hữu đất đai của toàn dân chỉ là những “hư quyền” vì mới chỉ có có các quy định chung chung mà thiếu cơ chế bảo đảm cho người dân thực hiện quyền làm chủ sở hữu đất đai.
“Thực tế, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước thường quan trọng hơn quyền của người sử dụng đất (SDĐ) trong việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quyết định thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Người được giao quyền SDĐ chưa thể tham gia đầy đủ với tư cách vừa là người chủ sở hữu toàn dân vừa là người được giao quyền SDĐ”, PGS.TS.Vũ Năng Dũng – Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, với cơ chế quản lý đất đai hiện nay, lợi ích từ đất đai không vào ngân sách nhà nước mà thực tế chỉ “rơi” vào ngân sách địa phương thông qua việc bán đất (dưới hình thức chuyển nhượng quyền SDĐ) theo quy hoạch. Ngoài ra, ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phản ánh, chỉ doanh nghiệp và một số người dân “gặp may” được hưởng lợi từ quy hoạch đất đai là không phù hợp với quy định sở hữu toàn dân về đất đai. “Vấn đề này liên quan đến nhiều văn bản luật, không chỉ luật đất đai” – ông Liêm nhận xét.
“Rừng luật về đất đai mà không có lối đi rõ ràng”
Theo các chuyên gia, nhiều địa phương đang lúng túng trong việc thực hiện Luật đất đai 2013 vì một số quy định của pháp luật đất đai vẫn chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật dân sự. Điển hình là có quy định “đất đai là của toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền SDĐ cho người sử dụng theo quy định của Luật này” (Điều 4 Luật đất đai 2013) nhưng chưa xác định được giới hạn quyền của các cơ quan nhà nước đại diện cho chủ sở hữu và người chủ được giao quyền SDĐ.
Do đó, để Luật Đất đai 2013 sát với thực tiễn, các chuyên gia kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến đất đai theo hướng thống nhất các quy định từ Hiến pháp đến các đạo luật về đất đai, dân sự, hình sự, doanh nghiệp… Đồng thời, qui định cụ thể về chế tài nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập kế hoạch, quy hoạch SDĐ không thực hiện việc lấy ý kiến người dân và cụ thể hóa các qui định về quyền của người SDĐ trong quản lý và SDĐ.
Nhưng về lâu dài, ông Tôn Gia Huyên – Hội Khoa học Đất Việt Nam thấy cần xây dựng “Bộ luật Đất đai” để khắc phục tình trạng “rừng luật về đất đai mà không có lối đi rõ ràng”, góp phần cùng các Bộ luật “rường cột” đảm bảo quan trọng cho sự phát triển ổn định và bền vững của vấn đề đất đai./.
H.Giang